Clock-Time

Sao Đức Giêsu Lại Có Những Lời Lẽ Kém Thân Tình Đối Với Mẹ Người Như Thế?

Tại sao Đức Giêsu gọi Mẹ Người là “Bà”? Người ta có cảm tưởng Người đối xử với Mẹ quá lạnh nhạt.
SAO ĐỨC GIÊSU LẠI CÓ NHỮNG LỜI LẼ KÉM THÂN TÌNH ĐỐI VỚI MẸ NGƯỜI NHƯ THẾ?
 

 
VẤN
 
Tại sao Đức Giêsu gọi Mẹ Người là “Bà”? Người ta có cảm tưởng Người đối xử với Mẹ quá lạnh nhạt.

ĐÁP
 
Đúng thế, đó là một sự kiện. Theo Tin Mừng, lời lẽ Đức Kitô dành cho Mẹ Người không được dịu dàng thân thiết mấy.

Ngay lúc mới lên 12 tuổi, ta đã thấy điều đó biểu lộ trong những lời đầu tiên của Người. Sau 3 ngày ròng rã kiếm tìm, khi cha mẹ Đức Giêsu gặp lại Người trong đền thờ, và Đức Maria hỏi: “Này Con, tại sao Con làm thế, này Cha Con và Mẹ phải đau khổ tìm Con” thì câu trả lời của Người lại có vẻ như một bài học và còn gần như là một lời trách móc: “Thì tại sao tìm Con? Lại còn không biết là Con phải ở nơi nhà Cha Con sao?”
Rồi tiếng “Bà” Người dùng để gọi Mẹ Maria trong tiệc cưới Ca-na cũng chẳng phải là lối xứng hô thông thường thời ấy. Theo tục lệ Do Thái, con gọi thân mẫu là “mẹ” chứ không là “bà”. Tuy nhiên, nếu Thánh Gioan ghi lại lối xưng hô trên, chắc hẳn ngài đã nhìn thấy có một mầu nhiệm trong đó. Trong trường hợp này, Đức Giêsu coi Mẹ Maria là “người nữ” mà sách Sáng thế nói đến: “Ta sẽ đặt một mối thù giữa ngươi và người nữ”. Và cũng chính trong đoạn này, Đức Giêsu đã trả lời Mẹ Người bằng một câu văn như sau: “Này Bà, giữa tôi và Bà, nào có việc gì?” Đây là một lối nói rất thường được dùng trong ngôn ngữ Sê-mít để từ chối một lời cầu xin.

Trong suốt quãng đời công khai cũng thế. Khi gia đình Người có cả Mẹ Maria cùng đi, đến tìm Người để đưa về nhà, làm cản trở sứ mạng Người, Đức Giêsu đã tỏ vẻ xa lạ lạnh lùng qua những lời sau này: “ Thế nào là mẹ tôi? Thế nào là anh em tôi?”



“Đây là mẹ Tôi và anh em Tôi. Vì ai làm điều Thiên Chúa muốn, người ấy  mới là anh em, chị em và là mẹ Tôi” (Lc 8, 21; Mc 3, 20-35).

Cuối cùng, khi một phụ nữ quá ngưỡng mộ đã thốt lên lời tán dương: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Ông và vú Ông đã bú!” thì Người liền chỉnh lại: “Đúng hơn, Phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa, và noi giữ” (Lc 11, 27-28).

Trong những thế kỷ vừa qua, những đoạn Tin Mừng trên đã bị quên lãng rất nhiều, Ta không thấy chúng được trưng dẫn trong các thông điệp của Tòa Thánh. Nhưng Công Đồng đã chấm dứt tình trạng đó. Công Đồng đã mời ta nhìn thẳng vào chúng, bởi chúng có một ý nghĩa rất tích cực. Hiến chế về Giáo Hội (số 58) giải thích rằng: Qua tất cả những thái độ và lời lẽ ấy, Đức Giêsu muốn khẳng định rằng Người đã dành cho “Nước Trời” một chỗ đứng quan trọng bậc nhất, hơn cả mọi “liên hệ thân tộc”. Và, dựa vào những chỗ khác trong Tin Mừng, ta biết rằng trong Nước đó, Đức Maria đứng ở chỗ cao trọng nhất.

Như vậy, ta có được dựa vào đấy để nói rằng Đức Giêsu không thương Mẹ mình không? Không. Nói thế là sai. Điều cần biết là thương cách nào?

   Sai lầm thường gặp và cần tránh là nghĩ rằng tình thương của Đức Giêsu đối với Mẹ người được bộc lộ qua những thái độ cảm tính nồng cháy. Trong lãnh vực tình yêu, cực đoan không hẳn là điều tốt nhất. Một cơn sốt cảm tính có thể là dấu chỉ của sự bất quân bình hơn là quân bình. Đôi khi nó còn là sự bù trừ một dồn nén, sự lấp liếm một lo âu. Đức Giêsu yêu Mẹ mình bằng một tình yêu sâu xa, vô đáy, và cũng có màu sắc cảm tính đấy, nhưng trong sáng chừng mực. Người không lạnh nhạt với mẫu thân, nhưng yêu bằng một mối tình an bình, một tình yêu không cần biểu lộ âu yếm cũng như không cần tránh tất cả những gì có thể làm khổ người mình yêu, dù cho có ích; một tình yêu không giống như một số cảm tình xáo động khác. Đó cũng là cách Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu: một thứ tình yêu mạnh mẽ và chừng mực. Mẹ không yêu Chúa bằng thứ tình yêu “chiếm hữu”. Mẹ không giống như một số những bà mẹ độc tài, muốn chiếm giữ con cho mình mà thôi. Nhưng, Mẹ yêu Chúa Giêsu bằng một tình yêu rộng mở bao la, bao la đến độ phủ trùm được cả những chiều kích rộng lớn của sự cứu độ. Chính trong tâm tình đó mà Mẹ đã đi vào những ý hướng thầm kín sâu xa của Đấng Cứu Thế, đến nỗi chấp nhận cái chết của Người, cái chết mà lúc mới lên 12 tuổi Người đã cho Mẹ thấy trước những điềm báo. Vì thế, Mẹ đã trở nên mẹ của chúng ta, Mẹ của hết mọi kẻ có tội.

Đoạn Thánh Kinh đầy ý nghĩa nhất về điều ta vừa nói chính là đoạn tường thuật cuộc gặp lại Chúa trong đền thờ. Lúc này, Đức Giêsu tỏ ra không phải chỉ là một đứa trẻ chỉ biết núp dưới gấu áo mẹ nữa, Người tự mình đi lại giữa những đám đông dân hành hương. Chỉ sau một ngày đường, cha mẹ Người mới nhận thấy sự vắng mặt của Người, và mới bắt đầu đi tìm( Lc 2, 45).

Tình mẫu tử giữa Đức Kitô và Đức Trinh Nữ không phải là một thứ tình cảm ướt át như các tác giả lãng mạng đã từng khai triển cách sai lạc. Không phải vì tình ấy không đậm đà, kém nồng nàn. Trái lại, vì sự tràn đầy đơn sơ của nó không cấn đến những  tình tiết phức tạp, những màn ướt át cảm xúc, hay những biểu lộ  quá lố. Nó không cần những vồn vã bề ngoài, vì tận thâm sâu nó thực sự hiện diện cách an toàn. Đây là một bài học về tình yêu đích thực.
 
Nguyên tác: số mục(23) quyển II
R. Laurentin