Clock-Time

Sẽ có một hay nhiều phản Kitô?

Sẽ có một hay nhiều phản Kitô? Con về tra cứu Thánh Kinh để tìm một lời giải thích, nhưng không thấy Vậy, xin cha vui lòng cho con đôi lời giải minh về chuyện ấy.

SẼ CÓ MỘT HAY NHIỀU PHẢN KITÔ?
 
+ VẤN:

Hôm nọ, trong buổi nói chuyện, có một người bạn của con đã nói đến một kẻ “phản Kitô”. Con về tra cứu Thánh Kinh để tìm một lời giải thích, nhưng không thấy. Vậy, xin cha vui lòng cho con đôi lời giải minh về chuyện ấy.

+ ĐÁP:

Trước tiên, ta nên phân biệt giữa từ ngữ và khái niệm. Tự nó, từ ngữ PHẢN KITÔ (antichirist) có nghĩa là “ chống lại”, “ nghịch lại” với Đức Kitô, dựa theo ý nghĩa kép của tiền trí từ PHẢN (anti). Ta ít gặp từ ngữ này trong Tân Ước. Đây là một tiếng đặc biệt của riêng thánh Gioan. Ngài dùng nó cả thảy 4 lần trong các thư: 3 lần trong thư thứ nhất (2,18 – 22;4,3) và một lần trong thư thứ hai (1,7). Thánh nhân không dùng tiếng đó để chỉ một cá nhân riêng rẽ nào mà để gọi bất cứ ai “chối” hay “chống” Con Người hoặc công cuộc của Đức Kitô; và cũng để ám chỉ những kẻ nào tìm cách dụ hoặc Kitô hữu xa lìa đức tin cùng xao lãng đàng nhân đức. Khái niệm nói trên còn được diễn tả bởi từ ngữ “Kitô giả” (Mt 24,24) hay “tiên tri giả”; tiếng sau này ta thường gặp hơn và đặc biệt chỉ những Đấng Messia giả, những tiên tri giả.

Ngày nay, từ ngữ PHẢN KITÔ được dùng để chỉ những ai khư khư chống lại Đức Kitô với ước vọng chiếm đoạt địa vị và quyền tối thượng của Người trên vũ trụ. Chính trong nghĩa này mà tiếng ấy được dùng nơi những sách khác của bộ Tân Ước, đặc biệt là trong thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica và trong sách Khải huyền. Thánh Phaolô, trong chương thứ hai thư ấy, đã nói đến một số những biến cố sẽ xảy ra trước ngày giáng lâm lần thứ 2 của Đức Kitô và ngày tận thế. Ngài tóm lược tất cả vào một hiện tượng bội giáo cùng khắp, trong đó phần lớn có sự nhúng tay của một nhân vật mang một loạt những danh hiệu sau: Con người vô đạo, đứa hư đốn, kẻ nghịch tặc, tên vô tín ngưỡng, phường dụ dỗ mê hoặc. Ngài phân biệt rõ nó với Satan và với một Uy lực bất hảo đối nghịch lại với nó đồng thời là chướng ngại chống lại công cuộc của nó. Câu tiêu biểu nhất là: “Trước tiên sự bội giáo phải xảy ra; và cũng phải được mạc khải ra con người vô nhân đạo, đứa hư đốn, phường nghịch tặc, kẻ dấy lên chống lại tất cả những gì mang danh hiệu Thiên Chúa hay điều đáng được sùng bái, duy chỉ nó dám vào ngồi trong Thánh điện của Thiên Chúa, và lại còn dám phân bua mình là Thiên Chúa”. Tiếng PHẢN KITÔ ám chỉ chính nhân vật kỳ bí này.

Còn trong sách Khải Huyền thì các mãnh lực sự dữ vốn hằng tìm cách ngăn trở hay tiêu diệt những quyền lực sự thiện lại được tượng trưng bởi một đạo binh và một tiên tri giả, luôn đi đôi với nhau trong việc hoàn thành những dự định của chúng hay lãnh nhận hình phạt khủng khiếp mà chúng phải gánh chịu (Kh 16,13; 19,20; 20,10). Nhưng, cuốn sách này còn chứa đựng nhiều biểu tượng khác của sự dữ nữa. Đạo quân dữ ấy xông ra để tận diệt hay tiêu hủy công trình của Con Chiên (Giêsu Kitô). Đây là một loạt những quang cảnh và hình ảnh bề ngoài có vẻ khó hiểu vì mù mờ tối nghĩa. Tuy nhiên, sự khảo sát những thị kiến tương tự nơi các ngôn sứ khác trong Thánh Kinh và ngay cả nơi các văn gia Do thái khác sống đồng thời với sách ấy cũng mang lại cho toàn thể quyển sách nói chung cùng một số chi tiết trong đó có ánh sáng đáng kể.
Thế thì, nhân vật rất đáng sợ và đầy uy quyền ấy là ai vậy? Hắn đã hoàn tất mưu đồ hung hại nọ chưa? Hay hắn còn chờ xuất hiện trong tương lai?

Chỉ giới hạn vào những cá nhân nổi tiếng nhất thôi, ta cũng có thể kể ra, từ Nêrôn cho đến Hítle, một bản danh sách dài lê thê những PHẢN KITÔ, rất xứng đáng mang cùng một lúc những danh hiệu khác nhau vừa kể trên… Nhưng, hiện nay, chủ trương tùy thời thận trọng đã tránh những khẳng định tương tự.

Dầu sao, hai vấn nạn có vẻ quan trọng hơn cả đối với những nhà chuyên môn là: PHẢN KITÔ là một cá nhân hay một tập thể? Có phải đó là tập hợp những mãnh lực sự dữ do Satan tung ra hay không? Và hành tung của nó, vốn sẽ rất mãnh liệt vào ngày thế mạt, phải chăng chỉ giới hạn trong thời cánh chung hay trải dài trong mọi thời mọi lúc, và đã bắt đầu ngay từ ngày Con Thiên Chúa nhập thể làm người?
Cách chung người ta nghiêng về giả thiết thứ 2 nhiều hơn, tức hiểu nó theo nghĩa tập thể, với một hành tung kéo dài, khởi từ lần xuống thế đầu tiên cho đến ngày tái giáng của Đức Kitô, và cường độ mãnh liệt sẽ đạt tới cao điểm vào những ngày cận kề cuộc thế mạt.

Nguyên tác: số mục (17) quyển III        A.Penna