Clock-Time

Ý nghĩa của đau khổ

“Khi nào anh chị em thấy đời mình toàn gặp điều thuận lợi và no đầy, thì anh chị em hãy biết rằng mình đang đi trật hướng; còn nếu gặp gian truân thử thách thì anh chị em hãy biết rằng mình đang đi đúng và đẹp ý Chúa.”
Trích Sách Tôbia: Tb 12, 1. 5-15. 20
 
Trong những ngày ấy, Tôbia kêu con trai lại và hỏi rằng: “Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đi với con?” Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến và đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về. Bấy giờ người bảo nhỏ hai cha con rằng: “Các người hãy chúc tụng Chúa Trời, và tuyên xưng Người trước mặt mọi sinh vật, vì Người tỏ lòng từ bi đối với các người. Bởi chưng, giữ kín bí mật của nhà vua là một việc tốt, nhưng công bố và tuyên xưng các kỳ công của Thiên Chúa là một vinh dự; cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời. Còn những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình.
 
Vậy tôi tiết lộ cho các người biết sự thật, và không giữ kín câu chuyện bí mật với các người nữa: Khi ông than khóc cầu nguyện, chôn xác kẻ chết, bỏ cơm trưa, và ban ngày giấu xác chết trong nhà, rồi ban đêm mang đi chôn, chính tôi đã dâng lời nguyện của ông lên cùng Chúa. Và vì ông đã được đẹp lòng Chúa, nên cần phải có thử thách để thanh luyện ông. Nay Chúa sai tôi đến để chữa ông, và cứu Sara con dâu của ông khỏi ma quỷ. Vì tôi là thiên thần Raphael, một trong bảy thiên thần chầu chực trước mặt Chúa. Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Đấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người”.
 
http://muoianhsang.com/images/articleimages/Isaiah-58-11.jpg
 
Có một vị linh mục đã mạnh dạn minh xác thế này trong bài giảng của mình: “Khi nào anh chị em thấy đời mình toàn gặp điều thuận lợi và no đầy, thì anh chị em hãy biết rằng mình đang đi trật hướng; còn nếu gặp gian truân thử thách thì anh chị em hãy biết rằng mình đang đi đúng và đẹp ý Chúa.” Nếu thế thì nhiều người sẽ dễ dàng hiểu lầm rằng, việc đi theo Chúa là chọn lấy con đường của đau khổ và thất bại, vậy thì e chừng theo Chúa kiểu này thì quả là quá khó, bởi là con người ai cũng muốn sống trong an toàn, thành công, và hạnh phúc. Thế nhưng, điều vị linh mục nói thì không sai một tí nào trên bình diện đức tin, nghĩa là việc chọn đi theo Chúa là chấp nhận đi vào con đường của khổ giá và đau khổ trước khi vào vinh quang của Người (x. Lc 24, 25-27). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định cách dứt khoát rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏchính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Điều đó không có nghĩa là ta tự đi tìm kiếm sự đau khổ bằng chính sự dại khờ trong nhận thức và lối sống, nhưng là sẵn sàng đón nhận mọi biến cố trái với ý muốn của ta trong một tâm tình vui vẻ và tạ ơn, tin tưởng và phó thác cậy trông thay vì than vãn, trách cứ, và thất vọng. Tự bản chất, đây cũng là một việc vô cùng khó, bởi như đã nói bản năng của con người không ai muốn điều trái khuấy xảy đến với mình hết.
 
Có những khổ đau và bất hạnh hoàn toàn do bởi cách nghĩ và sống của ta tạo nên, nghĩa là ta nghĩ và sống quá tiêu cực và lệch lạc, nên mọi thứ phải xảy đến theo cách mà ta nghĩ và sống như một kết quả tất yếu của luật cuốn hút của vũ trụ. Ví dụ, ta toàn nghĩ đến chuyện ra đường gặp tai nạn, thì kiểu gì ta cũng sẽ gặp tai nạn không sớm thì muộn. Ta nghĩ đến chuyện bị bệnh và sợ thì ta cũng sẽ phải đón nhận căn bệnh ấy vào một ngày không xa. Thì tất cả những đau khổ hay tai hoạ ấy không làm nên công phúc gì cho ta, ngoài việc dìm ta xuống tận đáy sâu của sự buồn bực và tuyệt vọng. Đó là cách mà ta đã dùng tự do để chọn lựa và quyết định, và ta cần phải chịu trách nhiệm trên cuộc đời của mình. Đó là ta đã tự tạo ra đau khổ cho chính mình, chứ không phải đó một biến cố nào đó vô tình ập đến, nó có nguyên nhân và kết quả rõ ràng bởi chủ ý của ta. Tuy nhiên, những điều ấy vẫn có thể sinh ích cho ta, nếu ta biết qua đó mà kiểm điểm lại đời sống, cách nghĩ, và cách hành xử của mình và hoán cải trọn vẹn. Khi ấy, ta sẽ lại thấy lòng mình chan chứa một niềm vui vì được giải thoát khỏi xiềng xích của chính những thói quen xấu nơi mình, vì Thiên Chúa biến sự dữ thành sự lành cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28).
 
Ta cũng cần biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ mang đau khổ và tạo ra đau khổ cho con người là con cái của Người vì Người là Tình Yêu và Bình An, song đau khổ hiện hữu và có sức ảnh hưởng đến con người là do bởi con người mà ra. Bởi ta thích sống thuận theo điều gian ác nên ta phải chịu chung một cảnh của những kẻ gian ác, là phải đau khổ và phải chết. Hơn thế nữa, Người cho phép sự đau khổ hiện hữu song song với niềm vui và hạnh phúc, và Người dạy ta biết yêu mến sự đau khổ là vì Người biết rằng điều ấy sẽ mưu cầu cho linh hồn ta, nghĩa là qua đau khổ mà đức tin và tình yêu của ta nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Nghĩa là Ngài mời gọi ta hãy biết vui sống với thực tại trần gian này, kể cả đó một điều trái ý xảy đến, ta cũng hãy cứ vui vẻ vì đó là điều phải đến. Thử hỏi nếu ta học một bộ môn nào đó mà không trải qua nhiều giờ luyện tập vất vả, căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là bế tắc…thì liệu ta có trở nên một người tài ba, thành công, và thuần thục bộ môn ấy không? Chắc chắn là không! Thế nên người ta mới nói không có con đường tắt cho sự thành công, và cũng không có hạnh phúc nào dành cho kẻ lười và hèn nhát là vậy. Và ta cũng hãy biết rằng, nếu Chúa đã cho phép sự đau khổ có ảnh hưởng lên cuộc sống của ta, thì Ngài cũng sẽ làm cho nó tan biến khi bài học ấy ta đã học xong, hay nói theo ngôn ngữ của ta là “tốt nghiệp”. Vậy hãy vui và bình an, hãy kiên vững và cầu nguyện giữa lúc gặp gian truân thử thách trăm chiều, vì điều ấy hằng có lợi cho tất cả những ai yêu mến Người (x. Gc 1,2).
 
Joseph C. Pham