Clock-Time

​Tĩnh Tâm Mùa Chay Giáo Triều: 'Chia Sẻ Là Nhân Rộng'

Sự minh bạch và câu hỏi liên quan đến cuộc chiến chống lại sự đói và lãng phí lương thực là hai chủ điểm chính trong bài suy niệm thứ sáu của Kì Tĩnh Tâm của Đức Giáo Hoàng.

 
Vatican, 10/03/2016 (MAS/SLM) – Chủ đề về sự minh bạch khi nói đến các tài sản của Giáo Hội và câu hỏi liên quan đến cuộc chiến chống lại sự đói và lãng phí lương thực là hai chủ điểm chính trong bài suy niệm thứ sáu của Kì Tĩnh Tâm của Đức Giáo Hoàng.

Được hướng dẫn bởi Cha Ermes Ronchi người đang giảng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thành viên của Giáo Triều Rôma trong kì tĩnh tâm của các vị ở thị trấn Ariccia, các bài linh thao tập trung vào 10 câu hỏi của Tin Mừng.

Câu hỏi trung tâm của bài suy tư buổi sáng Thứ Tư là “Anh em có bao nhiêu chiếc bánh?” (Mc 6:38; Mt 15:34).

“Điều làm cho người Kitô Hữu đau đớn nhất – Cha Ronchi nói – là sự dính bén vào tiền bạc của hàng giáo sĩ”, trong khi điều làm cho họ vụi là “sự chia sẻ cơm bánh”.

Cha Ronchi bắt đầu bài suy niệm của mình khi nói rằng “Một số người quá đói đến mức đối với họ Thiên Chúa không thể làm gì khác ngoài việc tạo nên một ổ bánh mì”.

“Cuộc sống – Ngài nói – bắt đầu bằng sự đói; sống có nghĩa là đói”. Và nếu các bạn dấn xa hơn một bước nữa thì phải nhìn đến cái đói của hàng triệu con người trên thế giới: “sự công hãm của người nghèo”, hàng triệu người đang giơ tay ra xin một thứ gì đó để ăn – Ngài nói – chứ không xin một câu định nghĩa mang tính tôn giáo. “Giáo Hội sẽ đáp trả thế nào?”

Nói không với những màn chắn mờ ám

Trích từ bài đọc Tin Mừng nói về việc hoá bánh và cá ra hiều, Cha Ronchi chỉ ra rằng Chúa Giêsu có một cách tiếp cận rất thực tế khi Ngài nói các môn đệ hãy thu thập những thứ họ có trong tay.

Ngài nói rằng tất cả các môn đệ, kể cả các môn đệ ngày nay, đều được mời gọi để giới hạn các tài sản của họ.

“Bạn có bao nhiêu tiền? Bạn có bao nhiêu căn nhà? Đâu là chuẩn mực sống của bạn? Bạn phải kiểm tra! Bao nhiêu xe hơi và bao nhiêu đồ trang sức dưới dạng là các thánh giá hay nhẫn?” Ngài nói.
Giáo Hội – Cha Ronchi kết thúc – phải không được sợ sự minh bạch.

Chia sẻ là nhân rộng

“Nếu các bạn minh bạch thì các bạn đáng tin cậy. Khi các bạn thực lòng thì các bạn tự do”. Cha Ronchi nhận thấy rằng Chúa Giêsu không để cho bất kì ai ‘mua’ Ngài, và “Ngài không bao giờ đi vào trong những cung điện của người quyền thế mà không như một tù nhân”.

Ngài giải thích rằng luận lý của Chúa Giêsu là luận lý cho đi – chứ không phải tích trữ. Ngài nói rằng động từ “yêu thương” trong Tin Mừng dịch thành “cho đi”. Phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không bận tâm đến số lượng bánh; điều Ngài mong muốn là bánh được chia sẻ.

“Theo một quy luật thánh nhiệm mầu: khi bánh của tôi trở thành bánh của chúng ta, thì một ít sẽ trở nên đủ. Cơn đói bắt đầu khi tôi giữ lấy bánh của tôi cho bản thân mình, khi Phương Tây no thoả vẫn giữ lấy bánh, cá, và các tài sản của mình...Luôn có đủ khả năng để nuôi cả trái đất này, luôn có đủ bánh. Không cần phải hoá ra nhiều bánh, sẽ có đủ để phân phối, khởi đi từ chúng ta. Chúng ta không cần những sự nhân rộng lên lạ lùng: chúng ta cần phải đánh bại tên Gô-li-át khổng lồ của sự ích kỷ, của sự lãng phí lương thực và của sự tích trữ thêm một chút”.

“Cơn đói của những người khác có quyền trên tôi”.

Trích dẫn từ Tin Mừng Luca, Cha Ronchi nói: “Hãy cho đi và các món quà sẽ được trao lại cho bạn; một đấu, đã đong, đã dằn lắc, và đầy tràn, sẽ được đổ xuống trên lòng bạn...” Trong lời hứa này của Chúa Giêsu – Cha Ronchi nói – là nền kinh tế nhiệm mầu và bao la của sự cho đi và sự trở lại gấp trăm của nó là điều làm đảo lộn mọi kiểu ngân sách.

Và câu hỏi cuối cùng sẽ là – Ngài nói tiếp: “Bạn cho đi một chút hay nhiều cho cuộc sống?” – Cuộc sống hệ tại ở điều này, chứ không phải ở nơi các tài sản.

“Một món quà của năm chiếc bánh thì đủ để làm thay đổi cả thế giới”, Ngài nói.

Cha Ronchi kết thúc khi nói rằng phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá mà Giáo Hội mới lập ấy đặt vào đôi bàn tay của Đức Kitô Đấng không biết tính toán và không giữ lại gì cho bữa tối của riêng Ngài và của các môn đệ Ngài, cho chúng ta thấy rằng một giọt nước trong đại dương có thể mang lại ý nghĩa và niềm hy vọng cho cuộc sống”.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)
 
http://muoianhsang.com/