Clock-Time

Chung Tay Phục Vụ

Hôm nay, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, chúng tôi lại được lên đường làm thiện nguyện viên đi vào tuyến đầu chống dịch theo lời mời gọi của Đức Giám mục Giáo phận Phú Cường. Chúng tôi càng háo hức hơn vì được trực tiếp đến phục vụ những bệnh nhân, tiếp sức với các bác sĩ và nhân viên y tế để giúp các bệnh nhân...

TIN GIÁO PHẬN

CHUNG TAY PHỤC VỤ


 
 Học viện Con Đức Mẹ Phú Cường

Ngày 15/8/2021

WGPPC (15/8/2021) - Đã hơn hai tháng đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều nơi, cách riêng trên khắp mọi ngõ ngách của Sài Gòn và Bình Dương, đây là hai vùng đất mà tôi đã gắn bó thân thiết. Đặc biệt là Bình Dương, nơi gia đình và Hội dòng Con Đức Mẹ Phú Cường thân yêu của tôi hiện diện. Nếu ai một lần đặt chân đến Bình Dương, sẽ không thể nào tránh khỏi chạnh lòng trước quang cảnh hiện tại. Không còn một Bình Dương với những quán xá xập xình tiếng nhạc, không còn những con đường buổi chiều đông nghẹt người mỗi khi đến giờ công nhân tan ca, cũng chẳng còn nghe tiếng chuông nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường đổ ngay giữa trung tâm thành phố Thủ Dầu Một. Thay vào đó là những con đường vắng lặng, tiếng còi hú của xe cứu thương, ngày cũng như đêm đưa những người nhiễm bệnh đi cách ly. Tiếng nói, tiếng cười thay bằng những tiếng thở dài, những ánh mắt chất chứa biết bao lo âu, hay tiếng khóc không thành lời của những người mất đi người thân một cách quá đột ngột mà không thể làm gì cho họ. Người bị ảnh hưởng và đáng thương nhất có lẽ là người nghèo và những anh chị em công nhân, khi mà đồng lương có được cũng chỉ đủ trang trải trong tháng. Dịch bệnh kéo dài, mất việc biết lấy gì để sinh sống? Mới ngày nào, Bình Dương, vùng đất hứa nơi họ muốn đến, thì nay đành phải bỏ lại sau lưng, để vượt ngàn cây số trở về quê hương nơi họ đã ra đi.
 

Trước tình cảnh đó, làm sao trái tim của những người môn đệ theo Chúa có thể không thổn thức, khi bắt gặp những hình ảnh người công nhân, người nghèo lấm lét, ngại ngùng xin hai phần cơm vì đã nhịn đói mấy ngày trời. Hay những giọt nước mắt của người lao động nghèo khi giãn cách xã hội, không biết làm gì để sống cho qua những ngày tiếp theo. Thêm vào đó, không biết vô tình hay hữu ý mà lời Chúa trong những ngày đại dịch cứ vang vọng bên tai: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13), đây cũng chính là động lực cho chị em thuộc Hội dòng Con Đức Mẹ Phú Cường chúng tôi lên đường. Bỏ lại sau lưng sự an toàn, ấm cúng của nhà mẹ Hội dòng. Vào một ngày mưa, Dì giáo và các chị em Học viện chúng tôi đã đến với cộng đoàn được xem là tuyến đầu của Hội dòng để cùng với quý dì tại đây nấu cơm và phân phối rau củ quả cho các bệnh nhân và những người nghèo ở các khu cách ly. Nơi đây, chúng tôi nhận được những nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm, sau đó phân loại và trao tận tay cho những anh chị em không kể tôn giáo đang ở các khu cách ly, phong tỏa. Mỗi ngày, chúng tôi chung tay nấu các phần cơm để gửi đến những bệnh nhân trong bệnh viện không có người chăm sóc. Dẫu biết rằng công việc này có thể mang đến cho chị em chúng tôi sự rủi ro và nguy hiểm, không biết mình sẽ bị nhiễm bệnh hay không? Và khi nào?
 

 Chết! Có lẽ ai cũng sợ, nhưng có lẽ đối với người môn đệ của Thầy Giêsu chí thánh sẽ càng sợ nhất là cái chết không liên quan gì đến ơn gọi và sứ mạng của mình. Vì thế, mỗi chị em chúng tôi đều cảm thấy vui tươi, bình an với công việc mình đang thực hiện, bất kể những chuyến hàng đi, đến dù ngày hay đêm chị em chúng tôi đều không quản ngại bốc hàng xuống, có những bao lớn nặng đến gần trăm ký. Nó như vượt quá sức lực của người nữ tu hàng ngày chỉ biết đến sách vở. Mỗi ngày trôi qua, khi chiều về, chị em chúng tôi đều tự hỏi nhau: Làm sao chúng ta lại có khả năng làm được như vậy nhỉ? Câu trả lời chỉ có thể nói như thánh Phaolô: “Chính tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”, cùng với tình yêu, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và trái tim từ mẫu theo gương Mẹ Maria, người Mẹ yêu dấu của chúng tôi. Dẫu biết rằng công việc nhỏ bé của chúng tôi không thể giúp hết được bao người đang thiếu thốn, đau khổ do đại dịch gây ra, và cũng không biết chúng tôi sẽ duy trì được đến bao lâu, vì dịch bệnh ngày càng lây lan trong khi lương thực lại khan hiếm. Nhưng chị em chúng tôi vẫn làm, vì biết rằng chúng tôi không làm một mình. Trên khắp mọi miền đất nước, những anh chị em sống đời thánh hiến như chúng tôi, cũng đang miệt mài tìm mọi cách để làm sao có thể chia sẻ nỗi khó khăn mà người dân đang gặp phải. Công việc của chúng tôi tuy nhỏ bé, nhưng mỗi phần nhỏ bé góp lại sẽ thành điều lớn lao, như việc cộng tác của các môn đệ với Chúa Giêsu trong việc hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông. Phép lạ chỉ xảy ra khi con người biết nỗ lực cộng tác với Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa thích nhìn thấy sự cộng tác của con người hơn là ngồi đó chờ phép lạ. Với những gì mà mọi thành phần trong Giáo Hội Việt Nam đang làm, tôi tin tình thương sẽ chạm đến tình thương. Lòng bác ái của con người sẽ chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
 

Hôm nay, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, chúng tôi lại được lên đường làm thiện nguyện viên đi vào tuyến đầu chống dịch theo lời mời gọi của Đức Giám mục Giáo phận Phú Cường. Chúng tôi càng háo hức hơn vì được trực tiếp đến phục vụ những bệnh nhân, tiếp sức với các bác sĩ và nhân viên y tế để giúp các bệnh nhân. Mặc dù chưa biết sẽ làm gì, và biết chắc nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn, nhưng hành trang chúng tôi mang theo là tình yêu của Đức Kitô và gương phục vụ của Mẹ Maria, Linh đạo của Hội dòng Con Đức Mẹ Phú Cường. Hy vọng sự hiện diện của chúng tôi ít ra cũng an ủi được những con người cô đơn, không người thân bên cạnh, xoa dịu những nỗi đau mà họ đang gánh chịu trên thân xác cũng như trong tâm hồn.
 

Đại dịch chưa biết ngày nào sẽ chấm dứt, và nỗi đau, niềm tiếc thương vẫn còn vương mãi trong đôi mắt trẻ thơ, vì chúng chưa hiểu tại sao ba mẹ đi mãi không còn quay về! Những gia đình ngày nao tiễn nhau đi cách ly, mà hôm nay nhận về chỉ là hũ tro lạnh lùng và vô hồn. Dịch bệnh đã cướp đi nhiều thứ, nhưng nó không thể cướp đi niềm hy vọng của những con người có niềm tin vào Thiên Chúa. Những tâm hồn không ngừng quảng đại dâng hiến, nhất định sẽ làm lay động đến Đấng Tối Cao. Vì Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người, Sài Gòn ốm rồi sẽ khỏe lại, Bình Dương không khỏe rồi cũng sẽ mỉm cười chào đón những người lao động trở lại. Rồi đến một ngày, Giáo Hội sẽ tìm lại được tiếng chuông trên các ngôi tháp nơi các giáo đường. Người tín hữu sẽ lại quy tụ để cùng hát lên lời ca: “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Album hình
  • hoi-dong-con-duc-me-phu-cuong-chung-tayy-phuc-vu
  • hoi-dong-con-duc-me-phu-cuong-chung-tayy-phuc-vu
  • hoi-dong-con-duc-me-phu-cuong-chung-tayy-phuc-vu
  • hoi-dong-con-duc-me-phu-cuong-chung-tayy-phuc-vu
  • hoi-dong-con-duc-me-phu-cuong-chung-tayy-phuc-vu