Clock-Time

Chuyến viếng thăm mục vụ của anh em ứng sinh dự bị Nhà chung Giáo phận Phú Cường

Khoảng 8g00 ngày 09/4/2016 chuyến xe bắt đầu dời bánh đến với cộng đoàn các anh chị em dân tộc thuộc Giáo xứ Lộc Quang...
CỘNG ĐOÀN NHÀ CHUNG ĐI THĂM MỤC VỤ CÁC ANH CHỊ EM

DÂN TỘC KHƠ-ME VÀ STIÊNG Ở GIÁO XỨ LỘC QUANG,


GIÁO HẠT BÌNH LONG, GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG.



 
 
Sau điểm tâm sáng, các thầy Nhà Chung chuyển đồ và một số quà lên xe. Khoảng 8g00 ngày 09/4/2016 chuyến xe bắt đầu dời bánh đến với cộng đoàn các anh chị em dân tộc thuộc Giáo xứ Lộc Quang. Thành phần của chuyến đi lần này bao gồm: cha Gioan Baotixita - Giám đốc Nhà Chung Phú Cường, cha Phaolô - Cha giáo của các thầy dự bị chủng sinh, thầy Bênêđictô và tất cả các anh em dự bị chủng sinh của giáo phận.
 

Điểm đến chính của chuyến đi lần này là các “Sóc dân tộc” thuộc Giáo xứ Lộc Quang. Nhưng điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Giáo xứ Tân Thành.
 

Khoảng 10g30, quý cha và quý thầy của cộng đoàn Nhà Chung đã đến Giáo xứ Tân Thành – Giáo xứ cuối cùng của Giáo phận Phú Cường giáp ranh với Giáo phận Buôn Mê Thuộc. Từ ngôi thánh đường đi về hướng Tây khoảng 5km sẽ tới biên giới nước Campuchia. Sau khi cùng nhau viếng Thánh Thể, cha chánh xứ  Đaminh và cũng là cha sở tiên khởi của giáo xứ chia sẽ những thuận lợi và khó khăn của việc mục vụ trong những ngày đầu nhận xứ. Với muôn ngàn khó khăn, sau hơn 7 năm chăm sóc giáo xứ với vai trò là cha sở, ngài cùng với các anh chị em trong xứ đã xây dựng nên ngôi thánh đường thật nguy nga tráng lệ, một nơi xứng hợp để thờ phượng Chúa. Ở Giáo xứ Tân Thành có một điểm đặt biệt mà khó ai có thể tưởng tượng nổi, đó là việc di dời nhà nguyện cũ của giáo xứ. Nhà nguyện cũ nằm trên khu đất mà cha muốn xây dựng nhà thờ mới, nhưng cha lại không muốn tháo dở vì để cho bà con giáo dân có nơi thờ phượng Chúa trong lúc xây dựng nhà thờ mới. Cha cùng với 500 giáo dân đã hoàn toàn dùng sức người nhất bổng ngôi nhà nguyện kiên cố di dời đến nơi khác cách đó gần 50m. Việc di dời không tưởng, nhưng với sự hợp sức của cộng đoàn dân Chúa tại Giáo xứ Tân Thành, việc di chuyển ngôi nhà nguyện đã thành công cách tốt đẹp. Sau những giây phút chia sẻ, cha Đaminh tóm gọn lại những gì đã qua trong cụm từ “phó thác”. Anh em hãy phó thác tuyệt đối cho Thiên Chúa, mọi việc Ngài sẽ trợ giúp và hướng dẫn anh em. Sau khi gặp gỡ và trò chuyện với cha Đaminh, khoảng 11g15, cộng đoàn Nhà Chung lên xe và tiếp tục chuyến hành trình đến với Giáo xứ Lộc Quang.
 

Đúng 12g00, đoàn đã đến ngôi thánh đường Giáo xứ Lộc Quang. Cha xứ Giêrônimô đón tiếp mọi người từ đằng xa và hướng dẫn mọi người những nơi nghỉ ngơi. Sau cơm trưa và nghỉ ngơi, vào lúc 14g30, cộng đoàn chuẩn bị đi thăm mục vụ anh chị em đồng bào dân tộc Khơ-me. Đoàn được chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất với sự có mặt của cha sở, cha giám đốc và một số các thầy dự bị chủng sinh; nhóm thứ hai với sự đồng hành của cha Phaolô, thầy Bênêđictô, hai Soeur thuộc Cộng đoàn Đaminh Phú Cường đang giúp tại giáo xứ và một nhóm các thầy dự bị.
 

Đoàn thứ nhất đến với sóc của anh chị em dân tộc Khơ-me cách đó khoảng 3km với phương tiện di chuyển là xe máy cày. Đến nơi, mọi người không khỏi ngỡ ngàng vì hoàn cảnh sống của anh chị em nơi đây. Những em thiếu nhi với những bộ đồ lắm lem. Lắm lem cũng không gì lạ, bởi vì vùng đất đỏ nơi đây rất “yêu mến” những người đang sống với nó và những ai đến đây vào bất cứ mùa nào. Vào thăm gia đình anh Đạt, một anh người dân tộc Khơ-me và cũng là một giáo lý viên trong giáo xứ. Anh Đạt và cha xứ dẫn đoàn qua một nhà nguyện ở gần đó. Nhà nguyện chỉ với một Thánh giá ở trung tâm, mái tôn và 2 vách được dựng lên tạm bợ. Cha sở giới thiệu trong xứ có 5 nhà nguyện như vậy. Đến đây mới biết Giáo phận Phú Cường còn những nơi truyền giáo rất vất vả và đời sống của anh chị em đồng bào Công giáo còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế mà đời sống đạo của cộng đoàn nơi đây lại rất sinh động. Anh Đạt bắt hát và xướng kinh bằng tiếng Khơ-me với những cung giọng thật nhẹ nhàng và du dương. Sau khi hát và xướng kinh, cộng đoàn nơi đây thay phiên nhau dâng lời nguyện bằng tiếng Khơ-me. Sau khi cầu nguyện xong, cha sở giải thích những lời hát và lời kinh các anh chị em vừa cất lên, đó chính là bài hát Cầu xin Chúa Thánh Thần, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng cùng những lời nguyện tự phát bằng tiếng Khơ-me. Các anh em dự bị chủng sinh cảm nhận được phần nào sự sốt sắng của mọi người nơi đây khi cầu nguyện với Chúa. Cha sở cũng nói sơ lược về đời sống của anh chị em dân tộc Khơ-me đang sống ở vùng này. Sau đó, cha xở và gia đình anh Đạt đã dẫn đoàn đến thăm nhà một gia đình khác. Đoàn đi bộ trên một con đường nhỏ, một bên trồng tầm vong, một bên trồng tiêu, rồi băng qua một cánh đồng lúa, nhưng với thời tiết khô hạn đất đai khô cằn, nức nẻ. Một chị trong sóc cho biết ở đây quanh năm chỉ trồng được 1 vụ lúa. Lúa trồng trên đất đỏ nên năng suất cũng rất thấp. Băng qua cánh đồng, trước mắt mọi người là một người phụ nữ đang ngồi xe lăng. Chị Cao -  người đã bị liệt 27 năm. Các anh chị em ở đây rất mừng rỡ khi quý cha và quý thầy tới thăm. Vào nhà chị Cao, mọi người không khỏi xúc động khi nhìn thấy cảnh cha sở đỡ chị từ xe lăng lên sàn nhà, tạm gọi đây là nhà nhưng chỉ có một cái mái che và một sàn đóng bằng cây tầm vong tạm bợ. Nhìn khung cảnh này, các thầy chủng sinh phần nào nhận biết được ơn gọi của mình sẽ như thế nào. Chị Cao bị liệt nằm rất lâu và điều kiện thiếu thốn nên bị lỡ loét trên cơ thể. Từ khi cha xứ nhờ bác sĩ đến giúp đỡ chữa trị và tập cho chị sử dụng và ngồi trên xe lăn, nhờ đó chị mới có thể tự mình di chuyển được. Sau khi thăm hỏi, đoàn tạm biệt gia đình chị Cao và đi sang sóc của anh chị em dân tộc Stiêng.
 

Vẫn cổ xe máy cày, đoàn tiếp tục đi khoảng 7km, xuyên qua những con đường đất đỏ, những con dốc cao, hiểm trở. Đến sóc của dân tộc Stiêng, vào nhà của trưởng thôn, trước đây cũng là nhà của một người anh em trong số quý thầy dự bị chủng sinh đó là anh Phêrô Điểu Dư. Quảng đường mọi người đi qua cũng nói lên con đường ơn gọi mà người anh em này đã bước đi. Tại đây, đoàn thứ nhất và đoàn thứ hai gặp mặt nhau. Được biết đoàn thứ hai cũng đi đến những sóc của anh em dân tộc Khơ-me giống như đoàn thứ nhất. Nhìn những bộ đồ, những mái tóc bị nhuộm vàng, đỏ bởi bụi đường và chắc chắn mọi người cũng đã hít đầy bụi, thế nhưng trên gương mặt, ai ai cũng đều rạng lên một nụ cười cùng một ánh nhìn thật lạc quan và phấn khởi. Thật sự cũng không cần nói gì nhiều, mọi người cũng đã hiểu nhau và phần nào đó hiểu được nổi khổ của anh chị em Công giáo nơi đây. Đất “mến” người là thế, mọi người đều lắm lem bụi, nhưng cái lắm lem bụi đường đó có là gì so với cái “lắm lem” trên con đường truyền giáo và giữ đạo nơi đây. Trong sóc người dân tộc Stiêng có hơn 20 hộ gia đình. Ở một nơi đường xá và điều kiện khó khăn như vậy nhưng mọi người vẫn giữ đạo một cách rất nghiêm túc. Bằng chứng là vùng đất đỏ này cũng đã sản sinh ra một hạt mầm ơn gọi cho giáo phận đó là anh Dư. Thăm hỏi gia đình xong, cả hai đoàn cùng trở về nhà xứ của Giáo xứ Lộc Quang. Đến 20g00, mọi người dùng cơm tối và giao lưu văn nghệ với các anh chị em dân tộc Khơ-me. Các thầy Nhà Chung hướng dẫn anh chị em dân tộc múa các bài sinh hoạt nhạc đạo. Anh Đạt hướng dẫn các thầy múa điệu Lâm Thon của dân tộc Khơ-me. Thấy thì dễ nhưng khi bước những bước cho đúng thì gặp không ít khó khăn. Mất cả đêm, đếm qua đếm lại, chân trái bước qua, chân phải bước lại. Cuối cùng, trong sự vui thích và hạnh phúc, các thầy cũng đã múa được điệu Lâm Thon của người Khơ-me, thật tuyệt diệu!
 

Đúng 6g00 sáng ngày 10/4/2016, chuông nhà thờ vang lên. Mọi người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật III Phục sinh, với sự chủ tế của cha giám đốc; cùng đồng tế có cha sở và cha Phaolô. Trong bài giảng lễ, cha giám đốc có nhắc đến những khó khăn và những lo âu về công việc, về gia đình, về đời sống của bà con giáo dân. Ngài cũng mời gọi mọi người hãy phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, hãy đưa tay của mình để Thiên Chúa nắm lấy và dẫn dắt cuộc đời mình. Sau Thánh lễ, cha sở chia sẻ kinh nghiệm mục vụ của ngài với quý thầy dự bị. Mục vụ là phải đến với mọi người, sống với mọi người không chỉ trên kiến thức mà quan trọng hơn hết đó là đến với mọi người bằng cả trái tim của mình, mang tình yêu của Chúa đến với giáo dân, cùng sống và cùng cảm thông với đời sống của mọi người. Cuối bài chia sẻ, cha cũng rút ra kết luận chỉ cần sống hai chữ “tín thác” thế là đủ. Anh em hãy “tín thác” trọn vẹn cho Thiên Chúa.
 

Sau bữa ăn sáng, các thầy dự bị sinh hoạt với các em thiếu nhi Giáo xứ Lộc Quang. Sau đó, mọi người cám ơn cha sở và chào tạm biệt bà con giáo dân để về lại Nhà Chung. Trước khi lên xe, đoàn đến với một lớp học của thầy Hải. Thầy dạy cho các em dân tộc biết viết tiếng của dân tộc mình. Thầy đã ngoài 60 và đã hy sinh cuộc đời mình ở đây để dạy học cho các em. Thế mới biết, có rất nhiều sự hy sinh thầm lặng để xây dựng Giáo Hội của Chúa. Chia tay thầy Hải và lớp học. Trên đường về, mọi người có dịp ghé thăm và dùng cơm trưa tại Giáo xứ Mỹ Hưng. Cha Giêrônimô, cha sở giáo xứ Mỹ Hưng tiếp đón đoàn một cách vui vẻ và thân tình. Không khí bữa cơm thật vui tươi và đầm ấm. Sau khi cám ơn cha sở Giáo xứ Mỹ Hưng, đoàn tiếp tục hành trình về Nhà Chung. Đúng 16g00, đoàn đã về đến nơi, kết thúc chuyến thăm mục vụ trong sự bình an và ơn phúc của Thiên Chúa.
 

Chuyến đi tuy không dài, nhưng cũng giúp cho quý thầy cảm nhận được phần nào ý nghĩa của ơn gọi đời thánh hiến của mình. Những mảnh đất truyền giáo xa xôi, những mảnh đời đang đói khát, đói khát ở đây không chỉ về vật chất nhưng quan trọng hơn là đói khát về đức tin. Làm sao để cho mọi người nhận ra chân lý đích thực là Đức Kitô? Làm sao để mọi người giữ vững đức tin vào Con Một Thiên Chúa? Và rất nhiều câu hỏi làm sao được đặt ra. Có đó những mục tử nhân lành, những trái tim phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng mảnh đất truyền giáo của giáo phận còn quá bao la. Cần thêm những người thợ gặt lành nghề, cần thêm những mục tử thấu hiểu và dám dấn thân để chăn dắt những đoàn chiên tản mát. Cùng “tín thác” trọn vẹn cho Thiên Chúa!

 
Chủng sinh dự bị Giuse Nguyễn Tuấn Văn