Clock-Time

Đọc tin tức đừng "tức" vì "tin"

Ở thời đại 4.0, khi wifi là điều đầu tiên chúng ta hỏi mỗi khi đến một nơi, thì niềm vui và nỗi buồn của một ngày cũng đến và đi theo từng lần mở điện thoại cập nhật tin tức. Tất cả những vui buồn, nóng giận, hoặc sợ hãi… đôi khi đến cách vô lý như lời bịa đặt ai đó đăng trên “tường”, hay cái “tin vịt” vô tình nằm trong “inbox”.

Truyền thông xã hội
Đọc tin tức đừng "tức" vì "tin"

Ở thời đại 4.0, khi wifi là điều đầu tiên chúng ta hỏi mỗi khi đến một nơi, thì niềm vui và nỗi buồn của một ngày cũng đến và đi theo từng lần mở điện thoại cập nhật tin tức. Tất cả những vui buồn, nóng giận, hoặc sợ hãi… đôi khi đến cách vô lý như lời bịa đặt ai đó đăng trên “tường”, hay cái “tin vịt” vô tình nằm trong “inbox”.

Cuối năm 2016, trong khoảng thời gian tranh cử tổng thống, Donald Trump đã đăng lên Twitter của mình là “Đức Thánh Cha Phanxicô làm cả thế giới kinh ngạc, ủng hộ Trump trở thành Tổng thống”. Chính xác thì đoạn tin này được cắt ghép từ một trang chuyên đưa tin vịt WTOE5 sau đó đã bị đánh sập, nhưng ít nhất đã có 960,000 người tham gia bình luận. Thông tin này được đăng ngày 8/11/2016, trong khi đó ngày 2/10/2016 trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay đến Georgia và Azerbaijan, khi được hỏi cha có lời khuyên gì cho các Kito hữu Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới không thì ngài đã trả lời rằng “trong suốt chiến dịch bầu cử, tôi chưa bao giờ nói một lời”.

Trước đây, khi còn sử dụng Y!M, thỉnh thoảng người dùng sẽ nhận được một tin nhắn từ bạn bè trong danh sách (có khi cả người lạ) một câu chuyện rất bi đát với lời đề nghị, hãy chia sẻ nếu bạn cũng yêu mẹ (hoặc cha) của mình. Hoặc một hình thức khác, thỉnh thoảng, người dùng nhận được một lời hăm dọa, hãy gửi tin nhắn này cho 7 người thì trong 7 ngày sẽ gặp may mắn, còn không trong vòng 7 ngày tới tai họa sẽ ập đến.

Những dạng “tin vịt” hay “fake news” như vậy càng lúc càng tinh vi và có vẻ như rất logic. Thường thì các tin này sẽ đánh vào điểm yếu tình cảm của người nhận, có khi những lời đề nghị này sẽ yêu cầu bạn làm một việc vô thưởng vô phạt, như là lan tỏa một đường link hoặc một câu chuyện, nhưng phần lớn thì các tin như thế này lại đánh vào mặt tâm lý và thường khiến cho người nhận hoang mang, ví dụ như liên quan đến vận may, sự an toàn của bản thân và người thân, và lắm lúc đánh cả và niềm tin tín ngưỡng nữa.

Những thông tin về mặt tín ngưỡng thì lại rất lợi hại, vì thường sẽ đến rất đúng đối tượng là những người kém tin, hoặc tin… chưa tới. Ví dụ có những thông tin như là hãy chia sẻ hình Đức Mẹ này, nếu không bạn sẽ bị tai nạn, đi kèm ví dụ tai họa của ông này bà kia gặp phải vì đã không chia sẻ, nghe có vẻ rất cụ thể nhưng lại chẳng cụ thể đủ để kiểm chứng thông tin. Họ lấy ví dụ của ông tổng thống Argentina nọ, nhưng tổng thống nào của Argentina thì lại không nói đến.

Có một lần tôi nhận được một tin nhắn từ một tu sĩ bảo là hãy cầu nguyện cho 22 Kitô hữu sẽ bị hành quyết trong tay phiến quân Hồi giáo vào trưa mai tại Afganistan. Hãy chia sẻ thông tin này để mọi người cùng hợp ý cầu nguyện. Suýt tí nữa vì lòng mến, tôi đã “a lê hấp” share ngay. Vì một lời đề nghị cầu nguyện thì không có gì là quá đáng, và cầu nguyện cho những người đang đứng trước thách thức của đức tin, tử đạo thì lại càng nên cầu nguyện. Nhưng…đợi đã… 22 người, không phải là 2 người, 22 người bị hành quyết vào trưa mai mà sao các cơ quan truyền thông chính thức của Giáo hội lại không lên tiếng? Hay các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, Pax Christi lẽ nào lại im lặng… Đợi một phút, Afganistan… chỗ nào của Afganistan cơ? Chỉ vài phút kiểm chứng, tôi nhanh chóng phát hiện ra đây là một trò đùa vớ vẩn. Dù sau đó vẫn giành ra ít phút để nghĩ về một Giáo hội Công giáo đang bị bách hại và những người đang sống và bị thử thách đức tin, nhưng tôi không mong người ta sẽ đem những chuyện như vậy ra làm trò đùa.

Mỗi ngày chúng ta tiếp thu và sản xuất hàng trăm, hàng ngàn thông tin khác nhau. Khi kể một câu chuyện phiếm là chúng ta đã tạo ra một thông tin. Dân làm truyền thông gọi là “content” hoặc chuyện nào “chất” lắm thì gọi là “copyright”. Ngược lại chúng ta cũng tiếp thu rất nhiều những nguồn thông tin khác nhau, thường thì là vô thưởng vô phạt, nhưng chính vì tự ru ngủ mình là “chuyện vô thưởng vô phạt” nên dần dà chúng ta không tỉnh táo để xác nhận thông tin này đúng hay sai, đúng tới mức nào, và chính xác tới đâu. Và một lý do nữa, chúng ta đang sống trong một xã hội nơi niềm tin ngày càng bị khủng hoảng cách trầm trọng, đến mức chúng ta nhìn nhận sự dối trá như một trò đùa, một trò vui, ví dụ như anh kia nổ nổ mình là du học sinh về để mở trường dạy Anh văn, hay chị nọ nói dối về chuyện nghề nghiệp của mình để bán sản phẩm. Những chuyện “thường ngày ở huyện” xảy ra nhiều đến mức trái cây không cần ghi đúng nguồn gốc, tri thức trích dẫn không cần dẫn nguồn, chuyện có lỡ kể sai chỉ cần nói “tam sao thất bản” là được. Dần dà những lời nói dối được chấp nhận như một phần của cuộc sống, như lẽ thường của xã hội, thậm chí “văn hóa dân ta nó thế”. Một “lẽ thường” đang đục khoét cảm thức nhân bản về cái đúng, cái thật trong cuộc sống hàng ngày.

Có những thông tin được truyền đi chỉ bằng một cái “enter” hoặc một cái “click” chuột. Chúng ta tiếp nhận thông tin và mặc định các thông tin này đúng mà không buồn kiểm chứng. Phải chăng vì một thời chúng ta đã từng được dạy phải vâng lời chứ đừng đặt câu hỏi. Phải chăng vì chúng ta từng được dạy ngồi trong lớp phải nghe giảng, chép bài, giơ tay phát biểu phải đúng theo sách mẫu. Cũng đã có thời chúng ta được dạy người lớn dù có sai, chúng ta cũng không được quyền ý kiến khi chưa được phép. Chúng ta được dạy tiếp nhận thông tin một cách thụ động, để rồi chúng ta trở thành những cái máy nghiền thông tin, chứ không cần học cách lọc thông tin nữa. Chúng ta thấy rằng bóp méo sự thật một chút coi vậy mà vui.

Chậm lại một chút, mình thử nghĩ xem, những thông tin mình chia sẻ, đang giúp ích cho ai vậy?

HNTT
Nguồn: Trang tin Thế Giới Salêgiêng

Liên quan đến đề tài, mời tham khảo các bài viết khác của một số đại học và hãng thông tấn uy tín quốc tế dưới đây:

https://web.stanford.edu/~gentzkow/research/fakenews.pdf
Http://www.news.va/en/news/apostolic-journey-to-georgia-and-azerbaijan-in-fli
https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-09-13/facebook-will-shut-off-ads-for-publishers-that-violate-standards
https://www.cnbc.com/2016/12/30/read-all-about-it-the-biggest-fake-news-stories-of-2016.html
http://guides.library.harvard.edu/fake
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/communications/documents/papa-francesco_20170124_messaggio-comunicazioni-sociali.html