Clock-Time

Bài giảng Trên Núi - Chúa Nhật Thường Niên IV A (Mt 5:1-12a) - Từ ngữ Kinh Thánh

Bài giảng trên núi là một tổng hợp giáo trình của Chúa Giêsu Kitô về tính chất người môn đệ. Nó bàn về sự chính trực người môn đệ phải có, các bổn phận tôn giáo họ phải thực hiện và phúc lành lẫn gian khổ họ phải trải qua khi theo Đức Kitô. Đây có thể coi là cuốn bạch thư về bản chất và đời sống trong Nước Chúa.

Từ ngữ Kinh Thánh
Bài giảng Trên Núi
Chúa Nhật Thường Niên IV A - Mt 5:1-12a

“Đức Giêsu lên núi ... Người lên tiếng dạy họ rằng ...” (Mt 5,1-2)

Bài giảng trên núi là một tổng hợp giáo trình của Chúa Giêsu Kitô về tính chất người môn đệ. Nó bàn về sự chính trực người môn đệ phải có, các bổn phận tôn giáo họ phải thực hiện và phúc lành lẫn gian khổ họ phải trải qua khi theo Đức Kitô. Đây có thể coi là cuốn bạch thư về bản chất và đời sống trong Nước Chúa.

Nơi ban bố bài giảng trên núi được hai thánh sử ghi lại : Mt 5,1 và Lc 6,17. Có thể Chúa Giêsu Kitô đã dạy một vấn đề ở hai nơi khác nhau như thường thấy trong việc rao giảng. Thánh Matthêu viết về nơi Chúa Giêsu giảng là “núi” hẳn để gợi lại nơi ông Môsê đã nhận luật Chúa (Xh 19) và giới thiệu Chúa Giêsu là vị Thầy sắp ban luật mới. Thánh Luca lại mô tả nơi Chúa Giêsu ban bố “bài giảng trên núi” ở “chỗ đất bằng”, cho đông đảo môn đệ và đoàn lũ dân chúng, vì Tin Mừng cần được mọi người nghèo nhận ra.

Giáo huấn của Bài giảng trên núi :

  • Đó là những phúc lành của người được sống trong nước Chúa (Mt 5,1-12 // Lc 6,20-23).
  • Các môn đệ Chúa Giêsu Kitô, những người được phúc lành nước Chúa, phải có một ảnh hưởng tích cực muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-16 x. Mc 9,50 Lc 14,34-35).
  • Mối tương quan sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô với luật Môsê : “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17-21).
  • Các môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải cho thấy một chiều sâu mới của sự chính trực “hơn các kinh sư và người Pharisêu” (Mt 5,20) và “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
  • Sự chính trực đòi hỏi các môn đệ Chúa Giêsu Kitô : không chỉ “chớ giết người” mà còn không được “giận người anh em” không được “mắng”, “chửi” và “bất bình” với anh em (Mt 5,21-24 Xh 20,13 Mt 5,25-26 Lc 12,57-59); không chỉ “chớ ngoại tình” mà còn không được “thèm muốn ...” (Mt 5,27-30 Xh 20,14); phải chung thủy trong hôn nhân (Mt 5,31-32 19,9 Mc 10,11-12 Lc 16,18); phải giữ trọn lời thề (Mt 5,33-37); chớ trả thù nhưng còn phải yêu mến cả bạn lẫn thù (Mt 5,38-48 // Lc 6,29-30).
  • Khi thực thi các bổn phận đạo đức, các môn đệ Chúa Giêsu Kitô chỉ tìm làm vui lòng Chúa (Mt 6,1), không khoe khoang khi bố thí (Mt 6,2-4) khi cầu nguyện (Mt 6,5-8), khi ăn chay (Mt 6,16-18).
  • Phải biết đánh giá nước trời hơn mọi sở hữu vật chất (Mt 6,19-21 // Lc 12,33-34 Mt 6,24-34 // Lc 12,22-31).
  • Môn đệ Chúa Giêsu Kitô không được xét đoán (Mt 7,1-5 // Lc 6,41-42).
  • Môn đệ Chúa Giêsu Kitô cần cầu xin và tin tưởng sẽ được nhậm lời (Mt 7,7-12 // Lc 11,9-13). Có một biểu mẫu để cầu nguyện, kinh lạy Cha (Mt 7,9-15 // Lc 11,2-4).
  • Môn đệ chân chính phải biết vâng theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô (Mt 7,21 x. Mt 7,15-20.24-27 // Lc 6,47-49).

Đặc tính của giáo huấn Chúa Giêsu Kitô trong bài giảng trên núi là “dân chúng sửng sốt về lời giảng của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29).