Từ ngữ Kinh Thánh
Phép Rửa của Kitô Hữu
Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa A; Mt 3:13-17
“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa …” (Mt 3,14)
“Phép rửa” do động từ baptein / baptizein, có nghĩa là “dìm, rửa”. Vì nước là biểu tượng chỉ sự thanh tẩy và sự sống, nên “phép rửa” rất quen thuộc trong do thái giáo và nơi cả các tôn giáo huyền bí. Nhưng những điểm tương đồng với các bí tích kitô giáo chỉ có tính cách bề ngoài.
Phép rửa của kitô hữu là phép rửa bằng nước và Thánh Thần. Thánh Gioan Tẩy Giả đã báo trước phép rửa trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11t). Thánh Thần là ân huệ được hứa ban thời Đấng Cứu Thế và lửa là sự phán xét (Ga 3,18-24 5,22-25 9,39) .Thánh Phaolô nhận thấy phép rửa của kitô hữu đã được tiên báo trong việc vượt qua Biển Đỏ (1Cr 10,1t). Và điều đó được thực hiện vào lễ Ngũ Tuần, được coi như phép rửa của Giáo Hội trong Thánh Thần và lửa. Phép rửa này được cử hành ngay sau bài giảng của thánh Phêrô (Cv 2,38-41). Hành động này gỉa thiết đã có lệnh truyền của Chúa Giêsu (x. Ga 3,3tt Mt 28,19 Mc 16,16)
Thánh Phaolô đào sâu và bổ túc học thuyết về phép rửa, rút ra từ lời dạy của Chúa Giêsu (Mc 10,38) và từ việc thực hành của Giáo Hội (Rm 6,3). Nối kết với cái chết, sự mai táng và sống lại của Đấng Cứu Thế (Rm 6,3tt Cl 2,12) Cái chết cho tội lỗi và ân ban sự sống không thể tách rời nhau, nhờ máu Đức Kitô (Dt 12,24 1Pr 1,2) lãnh phép rửa, người kitô hữu được biến đổi tận gốc rễ, để nên người mới (Rm 6,6 Cl 3,9 Ep 4,20) theo hình ảnh của Thiên Chúa (Gl 6,15).Học thuyết tương tự được trình bày trong 1Pr 3,18-21
Với phép rửa, người kitô hữu thành đền thờ Chúa Thánh Thần (1Cr 6,19). Nên dưỡng tử của Chúa Cha (Gl 4,5t) và được đồng thừa tự với Đức Kitô (Rm 8,2.9.17.30 Ep 2,6). Dĩ nhiên, bí tích này không tác động một cách ma thuật, nhưng là khởi điểm của một cuộc sống mới (Rm 6,12tt)