Clock-Time

Chỉ nam giảng lễ Chúa Nhật I Mùa Chay | Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí Tích | hiệp thông loan báo Tin Mừng

Vị giảng lễ phải nhắc cho cộng đoàn biết rằng họ được bánh từ trời này nuôi dưỡng, mà cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên cám dỗ và trên sự chết, cho phép họ lãnh nhận, qua bí tích Thánh Thể, bằng cách biến đổi “trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt”, như Lời Chúa hứa qua miệng ngôn sứ. Từ nay, những trái tim này sẽ nỗ lực bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Văn kiện
Chỉ nam giảng lễ Chúa Nhật I Mùa Chay
Mùa chay

Trích chỉ nam giảng lễ
Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí Tích
Số 57-63

 

Nếu như Tam Nhật Vượt Qua và 50 ngày sau đó là tâm điểm rạng soi toàn thể Năm Phụng Vụ, thì Mùa Chay là khoảng thời gian chuẩn bị tinh thần và tâm hồn dân Kitô hữu để cử hành những ngày thánh này cách xứng đáng. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra những chuẩn bị cuối cùng trước khi người dự tòng được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong Đêm Vọng Phục Sinh. Trong tiến trình này, họ cần được đồng hành bởi đức tin, lời cầu nguyện và chứng tá của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Các bài đọc Kinh Thánh trong Mùa Chay sẽ đạt được ý nghĩa sâu xa nhất khi được nối kết với mầu nhiệm Phục Sinh mà các bài đọc ấy đang chuẩn bị cho chúng ta. Hơn nữa, rõ ràng là các bài đọc này là dịp để thực hành một nguyên tắc nền tảng được trình bày trong Chỉ Nam : đưa các bài đọc trong thánh lễ về trung tâm là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, trong đó chúng ta được mời gọi tiến sâu hơn nữa nhờ việc cử hành các bí tích Mùa Phục Sinh. Dẫn Nhập Sách Bài Đọc đã ghi nhận rằng ý nghĩa cổ truyền của các bài đọc trong hai Chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay, tức là hai trình thuật về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa và biến cố Hiển Dung, được liên kết với các bài đọc khác. Các bài đọc Cựu Ước quy hướng về lịch sử cứu độ vốn là một trong những chủ đề chính của huấn giáo Mùa Chay. Mỗi năm, loạt các bài đọc gợi lại những giai đoạn chính của lịch sử này, từ lúc bắt đầu cho tới lời hứa Giao Ước Mới. Các bài đọc trích từ các thư của thánh Phaolô Tông đồ được chọn tương ứng với hai bài đọc kia, nhằm bảo đảm mối liên hệ bao nhiêu có thể giữa các bài đọc.

Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay

Đối với các tín hữu, không khó để thiết lập mối liên hệ giữa việc Đức Giêsu trải qua 40 ngày trong hoang địa với 40 ngày Mùa Chay. Vị giảng lễ cần giải thích mối liên hệ này ngõ hầu dân Kitô hữu hiểu rằng, mỗi năm, Mùa Chay giúp họ tham dự vào mầu nhiệm bốn mươi ngày Đức Giêsu sống trong hoang địa, những đau khổ Người gánh chịu và những ân sủng phát sinh từ việc Người chay tịnh và chịu cám dỗ. Người ta biết rằng, trong thời gian đặc biệt của Mùa Chay, người Công Giáo thường có thói quen thực hành sám hối kèm theo các việc đạo đức ; điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng, bên cạnh các thực hành này là thực tại bí tích sâu xa của toàn bộ Mùa Chay. Thật vậy, trong lời nguyện nhập lễ Chúa nhật I Mùa Chay, ta đọc được một diễn tả đầy ý nghĩa : “Hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày Chay Thánh để tôi luyện hồn xác chúng con.” Chính Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội và Người hoạt động trong suốt thời gian Mùa Chay Thánh. Việc Người thanh luyện các chi thể của Thân Mình Người đem lại giá trị cứu độ cho các thực hành sám hối của chúng ta. Lời tiền tụng của Chúa nhật này cũng quả quyết rõ ràng ý tưởng trên : “Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày. Người đã nêu gương chay tịnh ...”. Lối diễn tả của lời tiền tụng tạo nên mối liên kết giữa Kinh Thánh và Thánh Thể.

Bốn mươi ngày Đức Giêsu sống trong hoang địa gợi lại hành trình bốn mươi năm của Israel trong sa mạc; tất cả lịch sử của dân này được cô đọng trong Người. Chính vì thế, lịch sử ấy là một trong những chủ đề chính được đề cập trong Chỉ Nam : Lịch sử Israel, tương ứng với lịch sử của mỗi chúng ta, đạt được ý nghĩa chung cuộc trong cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Một cách nào đó, ta có thể khẳng định rằng cuộc Khổ Nạn đã được khởi đầu cách ẩn dụ trong sa mạc, khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai. Như vậy, ngay từ khởi đầu, Đức Giêsu đã tiến về cuộc Khổ Nạn, và cũng bắt đầu từ đó, những gì theo sau đạt được ý nghĩa đích thực của nó.

Một đoạn trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo có thể được xem là hữu ích trong việc soạn bài giảng, nhất là khi đề cập đến những đề tài giáo lý phát xuất từ bản văn Kinh Thánh. Về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ, sách Giáo lý xác định :

“Các tác giả sách Tin Mừng nêu rõ ý nghĩa cứu độ của biến cố huyền nhiệm này. Đức Giêsu là Adam mới, Người vững lòng trung thành đang khi Ađam cũ đã đầu hàng cơn cám dỗ. Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Israel : trái hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang địa, Đức Kitô tỏ ra như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong việc này, Đức Giêsu toàn thắng ma quỷ: Người đã trói kẻ mạnh và thu lại tài sản nó đã cướp. Chiến thắng của Đức Giêsu trên tên cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc Khổ Nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha” (GLHTCG, 539).

Những cám dỗ Đức Giêsu phải trải qua phản ánh cuộc chiến đấu chống lại quan niệm sai lầm về sứ mệnh cứu thế của Người. Ma quỷ quyết liệt khiêu khích Người bày tỏ quyền cám dỗ đã nói với - thần linh : Ma quỷ, tên Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa!” Ta đọc thấy ở đây lời tiên tri về cuộc chiến quyết định mà Đức Giêsu phải đối đầu trên thập giá, khi nghe những lời chế giễu : “Hãy tự cứu mình đi, xuống khỏi thập giá xem nào.” Trước những cám dỗ của Satan, Đức Giêsu không nhượng bộ, và Người cũng sẽ không xuống khỏi thập giá. Khi hành động như thế, Đức Giêsu đưa ra chứng từ mà Người muốn tiến sâu hơn trong sa mạc là cuộc sống nhân loại, và Người từ khước sử dụng quyền uy thần linh vì ích lợi riêng. Người đồng hành thật sự với chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế, và Người bày tỏ cho chúng ta quyền uy đích thực của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1).

Vị giảng lễ phải lưu tâm nhấn mạnh rằng Đức Giêsu phải trải qua cám dỗ và cái chết chính là vì liên đới với chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng mà vị giảng lễ loan báo không chỉ liên quan đến mối liên đới mà Đức Giêsu muốn bày tỏ với chúng ta trong sự đau khổ, nhưng Tin Mừng ấy còn loan báo cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên cám dỗ và trên sự chết, một chiến thắng Người muốn chia sẻ với tất cả những ai tin vào Người. Bảo đảm chắc chắn về một chiến thắng như vậy được bao hàm trong việc cử hành các bí tích Vượt Qua dự trong Đêm Canh Thức Vượt Qua mà ngày Chúa nhật I Mùa Chay đã hướng đến điều đó. Việc giảng lễ cũng phải đi theo hướng này.

Đức Giêsu đã chống lại cám dỗ của ma quỷ thách thức Người biến đá thành bánh, nhưng rốt cuộc, theo một cách thức mà tâm trí con người không thể tưởng tượng, nhờ cuộc Phục Sinh, Đức Giêsu đã biến “đá” sự chết thành “bánh” cho chúng ta. Qua cái chết, Người trở thành bánh Thánh Thể. Vị giảng lễ phải nhắc cho cộng đoàn biết rằng họ được bánh từ trời này nuôi dưỡng, mà cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên cám dỗ và trên sự chết, cho phép họ lãnh nhận, qua bí tích Thánh Thể, bằng cách biến đổi “trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt”, như Lời Chúa hứa qua miệng ngôn sứ. Từ nay, những trái tim này sẽ nỗ lực bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Khi ấy, đức tin Kitô giáo dần dần trở thành nắm men giữa lòng thế giới đang khao khát Thiên Chúa, vì những hòn đá đã thật sự biến thành của ăn làm no thoả khát khao cháy bỏng nơi tâm hồn con người.

Các bài Chỉ Nam Hướng Dẫn Giảng Lễ Khác: