ĐGH Phanxicô - Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 2016
Anh Chị Em Thân Mến,
Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 24 mang lại cho tôi một cơ hội để một cách đặc biệt đến gần với các bạn, những người bạn thân mến đang đau bệnh, và với những người đang chăm sóc cho các bạn.
Năm nay, bởi vì Ngày Bệnh Nhân sẽ được cử hành trọng thể tại Thánh Địa, nên tôi muốn đưa ra một suy tư về trình thuật Tin Mừng về tiệc cưới Cana (Ga 2:1-11), nơi mà Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài ngang qua sự can thiệp của Mẹ Ngài. Chủ đề được chọn – Tín Thác Bản Thân Cho Chúa Giêsu Thương Xót như Mẹ Maria: “Thầy bảo gì anh em cứ làm theo”(Ga 2:5) khá là phù hợp trong ánh sáng của Năm Thánh Ngoại Thường. Việc cử hành Thánh Thể chính của Ngày sẽ diễn ra vào ngày 11/02/2016, theo phụng vụ thì Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ở chính tại Na-da-rét, nơi mà “Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Ở Na-da-rét, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ cứu chuộc của Ngài, làm cho chính bản thân Ngài phù hợp với những lời của Tiên Tri Isaia, như chúng ta đã được Tác Giả Tin Mừng Luca kể lại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).
Bệnh tật, trên hết là bệnh nghiêm trọng, luôn luôn đặt sự hiện hữu của con người vào trong cuộc khủng hoảng và mang theo cùng với nó những câu hỏi đào sâu. Sự đáp trả đầu tiên của chúng ta đôi khi là một sự đáp trả kiểu nổi loạn: Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Chúng ta có thể cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ rằng tất cả đã mất hét, rằng mọi thứ không còn ý nghĩa nữa...
Trong những hoàn cảnh này, niềm tin vào Thiên Chúa một mặt bị thử thách, nhưng đồng thời có thể làm lộ ra tất cả mọi nguồn lực tích cực của nó. KHông phải vì niềm tin làm cho bệnh tật, sự đau đớn hay những câu hỏi mà chúng mang lại biến mất, mà là bởi vì nó mang lại một chìa khoá mà qua đó chúng ta có thể khám phá được ý nghĩa sâu thẳm nhất của điều mà chúng ta đang kinh nghiệm; một chìa khoá giúp chúng ta thấy được bệnh tật có thể là một cách để đến gần Chúa Giêsu thế nào là Đấng đang bước đi bên cạnh chúng ta, đã bị đè nặng bởi Thập Giá. Và chìa khoá này được trao cho chúng ta qua Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, Đấng đã biết đường lối này trước tiên.
Trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ Maria là người phụ nữ suy tư đã nhìn thấy một vấn đề nghiêm trọng đối với đôi bạn: rượu, biểu tượng của niềm vui trong lễ hội, đã hết. Mẹ Maria nhận ra sự khó khăn, một cách nào đó là của riêng Mẹ, và hành động nhanh chóng và kín đáo. Mẹ không chỉ nhìn, dành ít thời gian để tìm ra sai lỗi, mà thay vào đó, Mẹ hướng về Chúa Giêsu và trình bày cho Ngài với vấn đề cụ thể: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3). Và khi Chúa Giêsu nói với Mẹ là thời giờ chưa đến đối với Ngài để tự mạc khải chính Ngài (x. c 4), Mẹ nói với các gia nhân: “Thầy bảo gì anh em cứ làm theo” (c. 5). Rồi Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ, biến nước thành rượu, một loại rượu mà ngay lập tức cho thấy là loại tốt nhất trong toàn bộ buổi tiệc mừng. Giáo huấn nào mà chúng ta có thể rút ra từ mầu nhiệm về buổi tiệc cưới Cana này cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân?
Bữa tiệc cưới Cana là hình ảnh về Giáo Hội: ở trung tâm có Chúa Giêsu Đấng mà ở nơi lòng thương xót của Ngài thực hiện một dấu chỉ; quanh Ngài là các môn đệ, những hoa trái đầu tiên của một cộng đoàn mới; và bên cạnh Chúa Giêsu và các môn đệ là Mẹ Maria, Người Mẹ quan phòng và cầu nguyện. Mẹ Maria dự phần vào niềm vui của người dân thường và giúp cho niềm vui ấy gia tăng; Mẹ chuyển cầu cùng Con Mẹ thay mặt cho đôi bạn và toàn thể thực khách được mời. Chúa Giêsu cũng không từ chối yêu cầu của Mẹ Ngài. Thật nhiều hy vọng biết bao trong biến cố ấy cho tất cả chúng ta! Chúng ta có một Người Mẹ với đôi mắt yêu thương và canh phòng, giống như Con Mẹ; một trái tim đầy tình mẫu tử và đầy lòng thương xót, giống như Ngài; đôi tay muốn giúp đỡ, giống như đôi tay của Chúa Giêsu Đấng đã bẻ bánh ra cho những người đang đói, chạm vào người đau yếu và chữa lành họ. Tất cả điều này lấp đầy chúng ta bằng sự tin tưởng và mở tâm hồn chúng ta ra cho ân sủng và lòng thương xót của Đức Kitô. Sự chuyển cầu của Mẹ Maria làm cho chúng ta kinh nghiệm được sự an ủi mà Thánh Phaolô Tông Đồ đã chúc tụng Thiên Chúa: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2 Cr 1:3-5). Mẹ Maria là Người Mẹ “an ủi” Đấng an ủi con cái của Mẹ.
Tại Cana những nét đặc trưng về Chúa Giêsu và sứ vụ của Ngài đã được thấy rõ: Ngài đến để giúp những người đang gặp khó khăn và cần sự trợ giúp. Thực ra, theo dòng sứ vụ thiên sai thì Ngài sẽ chữa nhiều người khỏi bệnh tật, khuyết tật, và cả những thần dữ, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, khôi phục sức khoẻ và phẩm giá cho người phong cùi, làm cho người chết sống lại, và loan báo tin mừng cho người nghèo khó (x. Lc 7:21-22). Lời yêu cầu của Mẹ Maria tại tiệc cưới, được đề nghị bởi Chúa Thánh Thần đối với trái tim mẫu tử của Mẹ, cho thấy rõ ràng không chỉ năng quyền thiên sai của Chúa Giêsu mà còn cả lòng thương xót của Ngài.
Trong sự bận tâm của Mẹ Maria chúng ta thấy phản chiếu sự dịu dàng của Thiên Chúa. Cùng một sự dịu dàng này đang hiện diện trong cuộc sống của tất cả những người đến với người đau bệnh và hiểu được những mong muốn của họ, ngay cả những nhu cầu tiềm ẩn nhất, bởi vì những người này nhìn đến các bệnh nhân bằng đôi mắt đầy tràn tình yêu. Biết bao nhiêu lần một bà mẹ ở bên cạnh giường của đứa con đau yếu của mình, hoặc một người con chăm sóc cho cha mẹ già của mình hoặc một người cháu chăm sóc cho ông bà của mình, đặt người bệnh trong đôi bàn tay của Mẹ chúng ta! Đối với những người thân yêu của chúng ta đang chịu đau khổ vì bệnh tật thì chúng ta trước hết cầu xin cho sức khoẻ của họ. Chính Chúa Giêsu đã cho thấy sự hiện diện của Vương Quốc Thiên Chúa cách cụ thể ngang qua những lần chữa lành của Ngài: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11:4-5). Nhưng tình yêu được thôi thúc bởi niềm tin làm cho chúng ta xin cho họ điều gì đó lớn lao hơn cả sức khoẻ thể lý: chúng ta xin sự bình an, sự thanh thản trong cuộc sống vốn xuất phát từ tâm hồn và là quà tặng của Thiên Chúa, hoa trái của Thần Khí, một quà tặng mà Chúa Cha chưa bao giờ từ chồi những ai xin Ngài bằng niềm tín thác.
Trong cảnh tượng Cana, ngoài Chúa Giêsu và Mẹ Ngài ra, còn có các “đầy tớ”, những người mà Mẹ nói: “Thầy bảo gì anh em cứ làm theo” (Ga 2:5). Một cách tự nhiên, phép lạ diễn ra như là công việc của Đức Kitô; tuy nhiên, Ngài muốn mượn sự hỗ trợ của con người trong việc thực hiện phép lạ này. Ngài có thể làm cho rượu xuất hiện trực tiếp từ trong các chum. Nhưng Ngài muốn tuỳ thuộc vào sự hợp tác của con người, và vì thế mà Ngài đòi hỏi người tôi tớ phải đong đầy các chum bằng nước. Thật tuyệt vời và hài lòng đối với Thiên Chúa khi là các tôi tớ cho người khác! Điều này làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn bất kì điều gì khác, Đấng “đã không đến để được phục vụ nhưng là đề phục vụ” (Mc 10:45). Những con người vô dah này trong Tin Mừng dạy cho chúng ta thật nhiều. Không chỉ họ vâng lời, mà họ còn vâng lời cách đại lượng: họ đã đổ đầy tràn các chum nước (x. Ga 2:7). Họ tin tưởng Mẹ và thực thi ngay lập tức và làm tốt điều mà họ được đề nghị phải làm, không phàn nàn, không có nghĩ lại.
Vào Ngày Thế Giới Bệnh Nhân này chúng ta hãy xin Chúa Giêsu trong lòng thương xót của Ngài, ngang qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Ngài và Mẹ chúng ta, ban cho tất cả chúng ta cùng một sự sẵn sàng để phục vụ những người đang cần giúp đỡ, và, cách riêng, những anh chị em gặp khuyết tật của chúng ta. Đôi khi việc phục vụ này có thể chán ngấy và mệt mỏi, nhưng chúng ta biết chắc rằng Thiên Chúa sẽ chắc chắn biến những nỗ lực con người của chúng ta thành một điều thánh. Chúng ta cũng có thể là những đôi tay, những cánh tay và con tim giúp Thiên Chúa thực hiện các phép lạ của Ngài, quá thường xuyên là kín ẩn. Chúng ta cũng thế, bất luận là khoẻ mạnh hay bệnh tật, có thể dâng những cực nhọc và khổ đau của chúng ta giống như nước đầy các miệng chum tại tiệc cưới Cana và đã được biến thành rượu hảo hạng nhất. Bằng việc âm thầm giúp những người đang đau khổ, như trong chính bệnh tật, chúng ta vác lấy thập giá hằng ngày của chúng ta trên vai và đi theo Thầy (x. Lc 9:23). Ngay cả khi kinh nghiệm về sự đau khổ vẫn luôn luôn là một mầu nhiệm, nhưng Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta làm tỏ lộ ý nghĩa của nó.
Nếu chúng ta biết học vâng lời của Mẹ Maria, Đấng nói: “Thầy bảo gì anh em cứ làm theo”, thì Chúa Giêsu sẽ luôn luôn biến nước của cuộc đời chúng ta thành rượu quý. Do đó, Ngày Thế Giới Bệnh Nhân này, được cử hành trọng thể tại Thánh Địa, sẽ giúp thành toàn niềm hy vọng mà tôi thể hiện trong Tông Chiếu Năm Thánh Thương Xót Ngoại Thường: ‘Tôi tin rằng Năm Thánh này khi cử hành lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ nuôi dưỡng một cuộc gặp gỡ với [Do Thái Giáo và Hồi Giáo] và với các truyền thống tôn giáo cao quý khác; chớ gì Năm Thánh này mở ra cho chúng ta một cuộc đối thoại thậm chí còn nhiệt thành hơn nữa để chúng ta có thể biết và hiểu nhau tốt hơn; chớ gì năm này sẽ loại bỏ mọi hình thức tư tưởng hạn hẹp và sự thiếu tôn trọng, và giải thoát khỏi mọi hình thức của bạo lực và phân biệt đối xứ” (‘Misericordiae Vultus, 23). Mọi bệnh viện và nhà hưu dưỡng có thể là một dấu chỉ hữu hình và bối cảnh mà trong đó cổ võ nền văn hoá gặp gỡ và hoà bình, nơi mà kinh nghiệm về bệnh tật và đau khổ, cùng với sự trợ giúp chuyên môn và tình huynh đệ, sẽ giúp vượt thắng mọi giới hạn và sự chia rẽ.
Vì điều này chúng ta đã có gương mẫu bởi hai Nữ Tu đã được phong thánh vào Tháng Năm vừa qua: Thánh Marie-Alphonsine Danil Ghattas và Thánh Maria Đệ Giêsu Chịu Nạn Baouardy, cả hai đều là con gái của Thánh Địa. Vị đầu tiên là một chứng nhân của sự hiền lành và hiệp nhất, Ngài làm chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc có trách nhiệm với người khác, sống trong sự phục vụ lẫn nhau. Vị thứ hai, một người phụ nữ khiêm nhường và mù chữ, đã vâng phục Thần Khí và trở thành khí cụ của sự gặp gỡ với thế giới Hồi Giáo.
Đối với tất cả mọi người hỗ trợ người đau yếu và khổ đau, tôi thể hiện niềm hy vọng tin tưởng của tôi rằng họ sẽ có được động lực từ Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót. “Xin sự ngọt ngào của diện mạo của Mẹ canh giữ chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá lại niềm vui của sự dịu dàng của Thiên Chúa” (ibid., 24), làm cho niềm vui ấy ngự trị trong tâm hồn chúng ta và thể hiện nó ra bên ngoài trong hành động của chúng ta! Chúng ta hãy tín thác cho Mẹ Maria Đồng Trinh những thử thách và gian truân của chúng ta, cùng với những niềm vui và an ủi của chúng ta. Chúng ta hãy xin Mẹ hướng đôi mắt thương xót của Mẹ đến chúng ta, đặc biệt trong lúc đau đớn, và làm cho chúng ta xứng đáng, hôm nay và mãi mãi, việc mang lấy diện mạo thương xót của Chúa Giêsu Con Mẹ!
Với lời cầu nguyện này cho tất cả các bạn, tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi.
Làm từ Vatican, 15/09/2015
Lễ Mẹ Sầu Bi
Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican.va)
Nguồn: http://muoianhsang.com/cac-duc-giao-hoang/su-diep/dgh-phanxico-su-diep-ngay-quoc-te-benh-nhan-2016.html