Header

“CHÌA KHOÁ” MỞ CỬA NƯỚC THIÊN ĐÀNG - Suy Niệm Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên C (Lc 14:25-33) - Lm Cao Nhất Huy

avatarby
03/09/2022
2.1K
Đường vào nước thiên đàng phải là con đường qua cửa hẹp, con đường của thập giá mỗi ngày, và trên con đường đó người môn đệ phải chiến đấu đến “trầy da tróc vẩy” mới vào được. Những vết sẹo trong hành trình đó nói lên nỗ lực của ta với chính bản thân: ươn lười, nhác đảm, mưu mô, đề cao tiện nghi, hưởng thụ vật chất, thù hành, ghen ghét …. Đó là cuộc chiến của ta. Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên C, Lc 14:25-33, Lm Cao Nhất Huy, Lời cầu nguyện với Chúa, Lời cầu nguyện mỗi ngày, suy niệm hằng ngày, cách cầu nguyện, Giáo phận phú cường, phú cường, Truyền thông phú cường, truyền thông giáo phận phú cường, suy niệm phú cường, kinh tối gia đình, lời Chúa hôm nay, Suy niệm bài mới, Suy niệm niệm đặc biệt, suy niệm hay, Cầu phú cường, Suy niệm thường niên 23, cầu nguyện thường niên

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (14: 25-33)

5 Hôm ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. 28 Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

SUY NIỆM

“CHÌA KHOÁ” MỞ CỬA NƯỚC THIÊN ĐÀNG

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Với một thế giới hiện đại công nghệ, một ổ khoá thông minh, ta có thể cài đặt nhiều vân tay, nhiều mật mã, nhiều chìa khoá cơ để có thể mở cửa vào nhà bằng nhiều cách. Nhưng ổ khoá của nước thiên đàng chỉ có một chìa, và không thể làm chìa khoá phụ hay nhiều vân tay được. Vì thế, cửa dẫn vào nước thiên đàng chỉ có một loại, đó là cửa hẹp; Chìa mở khoá thiên đàng chỉ có một chìa, đó là yêu thương; Và mẫu của chiếc chìa khoá nước thiên đàng cũng chỉ có một mẫu, đó là THẬP GIÁ.

Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được . Mỗi người Chúa ban cho một chiếc chìa khoá để mở cửa thiên đàng, đó là thập giá của riêng mỗi người, không ai có thể thay thế được, cũng không thể lấy thập giá của người khác để thay thế.

Thập giá của tôi có thể là: khó khăn về đời sống gia đình, công ăn việc làm, thiếu kiên nhẫn trong nuôi dạy con cái, tính ham vật chất - quyền lực, dục vọng, tham lam, lười biếng, ham sắc, ham tiền, vũ phu, ghen ghét, hận thù …. Đó có thể là một trong những thập giá của tôi mà tôi phải chiến đấu và vác nó mỗi ngày. Nếu không chịu vác, không chịu chiến đấu, ta có thể mất chiếc chìa khoá để mở cửa nước thiên đàng.

Có câu chuyện kể như sau: Một người đứng trước cửa thiên đàng và xin thánh Phêrô cho mình vào. Thánh Phêrô trả lời: “Đương nhiên là được, chỉ cần con chỉ cho ta các vết sẹo của con”. Người ấy trả lời: “Con không có vết sẹo nào cả” . Phêrô nói: “Thật đáng tiếc, vì chẳng có gì đáng để cho con phải chiến đấu sao?” .

Đức Giêsu trong hành trình khổ nạn đã phải chiến đấu liên tục với những lời phỉ báng, những đòn roi và phải chịu đóng đinh chết trên cây thập giá. Khi Ngài sống lại, thân xác phục sinh của Ngài vẫn mang những vết sẹo của thập giá đó: Vết sẹo của sự chiến thắng với sự chết, với tội lỗi của con người, với yếu đuối …

Vì thế, Chúa Giêsu đã xác quyết rằng: Đường vào nước thiên đàng phải là con đường qua cửa hẹp, con đường của thập giá mỗi ngày, và trên con đường đó người môn đệ phải chiến đấu đến “trầy da tróc vẩy” mới vào được. Những vết sẹo trong hành trình đó nói lên nỗ lực của ta với chính bản thân: ươn lười, nhát đảm, mưu mô, đề cao tiện nghi, hưởng thụ vật chất, thù hằn, ghen ghét …. Đó là cuộc chiến của ta.

Vậy ta đã nỗ lực chiến đấu như thế nào trước những cám dỗ của bản thân? Đã chiến thắng hay đã bại trận?

Chúa Giêsu trong vườn cây Dầu đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40). Ma quỷ không bao giờ ngủ, chúng luôn thức và sẵn sàng cám dỗ chúng ta, làm cho chúng ta nản lòng và thua cuộc nếu chúng ta không cầu nguyện với Thiên Chúa là nguồn năng lượng cho ta. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu để chiến đấu với nỗi sợ của mình trước “Giờ” của Ngài: “Áp-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Chúng ta thấy, trước cám dỗ của nỗi sợ hãi Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Cha để xin Cha giúp sức, nhờ đó Ngài có thể chiến đấu với cám dỗ và chiến thắng nó.

Con người chúng ta cũng vậy, chúng ta phải luôn chiến đấu với điều thiện và điều dữ tận sâu bên trong con người của mình: “Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7 , 19). Sự chiến đấu mà Thánh Phaolô nói ở đây là tấn bi kịch nội tâm mà mỗi người trải qua, đặc biệt khi chúng ta cố gắng đi theo con đường trọn lành. 

Thế nên sự chiến đấu là cần thiết trong cuộc đời của người môn đệ Chúa. Chỉ có chiến đấu trong nỗ lực cầu nguyện với Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể chiến thắng. Và tất nhiên, cuộc chiến nào chẳng để lại những vết sẹo. Nhưng những vết sẹo nỗ lực đó lại là chiếc chìa khoá của thập giá để mỗi người chúng ta mở cửa nước thiên đàng. Amen.

Cao Nhất Huy

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT