
Suy Niệm Chúa Nhật Tuần V Thường Niên A (Mt 5:13-16) - Lm Alfonsô

Suy Niệm Lời Chúa
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN A
Ngày 09/02/2020
Bài đọc 1: Is 58,7-10
“Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Này đây Chúa phán: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, ngươi gọi, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: ‘Này Ta đây’. Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 111,4-5.6-7.8a và 9
Đáp: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay (c.4a).
1) Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. – Đáp.
2) Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. – Đáp.
3) Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. – Đáp.
Bài đọc II: 1Cr 2,1-5
“Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh”.
Trích thư thứ I của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Alleluia, alleluia! (Ga 8,12)– Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5,13-16)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Nói đến muối làm người ta dễ liên tưởng tới vị mặn, một khoáng chất có công dụng rất phong phú. Trước tiên, muối rất cần thiết cho công việc nội trợ, để giữ cho nguyên liệu nấu ăn được lâu hơn, khỏi bị hư thối hay bị ươn lên. Ai làm bếp mới thấy giá trị của muối không thể thiếu trong gia đình.
Muối có công dụng thứ hai là làm sạch. Muối giúp ngâm rau củ quả cho sạch những chất độc hại trong rau của quả, hòa chút muối với nước súc miệng chống viêm, hay rửa vết thương. Thậm chí các trẻ nhỏ bị u đầu bầm chân trầy tay, ông bà thường lấy chút muối đắp lên cho khỏi sưng tấy.
Muối còn giúp đem lại sinh lực, sức khỏe và sự sống cho con người. Một vận động viên để tránh mất sức mất nước nhiều, rất cần nước với muối giúp tăng khoáng thêm năng động. Chuyện kể trong một trận chiến nọ, một đội quân hùng mạnh muốn đánh chiếm một vùng đất có một bộ tộc nhỏ bé. Bộ tộc nhỏ bé nhận thấy rằng với khả năng mình ít ỏi về quân số lẫn binh khí thì có huy động cả thanh niên phụ nữ và người già ra đánh cũng không thể nào ngăn được sự hùng mạnh của quân địch. Vì thế, họ bèn lập mưu chặn đánh ở một vách núi hẹp những đoàn xe tiếp tế lương thực muối cho toán quân xâm lăng kia. Thế là đoàn quân hùng mạnh với số lượng quân đông đảo, lương thực hàng ngày tiêu tốn không phải là ít, mà lại thiếu muối nấu nướng và gia vị, khiến cho binh sĩ của họ chỉ cầm cự không được mấy hôm, người uể oải, mệt lả và mất sinh khí, đành phải chịu rút binh mà không đánh chiếm nữa. Dân chúng vui mừng vì giữ làng xóm, đàn gia súc cũng như vườn tược của mình khỏi sự xâm lăng.
Người Việt mình còn có thói quen “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nói lên giá trị tinh thần. Vì muối có vị mặn mà nên được ví với tình cảm mặn nồng thắm thiết, cầu mong sẽ luôn có được sự mặn nồng gắn kết trong tình cảm gia đình, tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ con cái. Chẳng thế mà ông bà ta có câu ca dao:
“Tay bưng chén muối đĩa gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
Cũng thế, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi môn đệ: “Các con là muối đất”. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy bản chất của người Kitô hữu không phải là những gì cao xa khó với tới được, nhưng là những hạt muối bé nhỏ thường hằng. Muối không phải là một loại kim khí đắt tiền để người ta khư khư cất giữ, nhưng là một chất gia vị quen thuộc với mọi người. Muối chỉ sống đúng bản chất và tác dụng của muối chính là ở vị ướp mặn cho đời. Nó sẽ là muối đúng nghĩa khi nó chấp nhận “tự hủy”, tan ra, hòa vào thực phẩm. Là muối cho đời, người Kitô hữu không sống một cuộc sống tách biệt, xa rời những người khác, nhưng chấp nhận sự hy sinh để có thể ướp mặn cho cuộc đời. Vì thế mà Kitô hữu cần cố gắng sống tốt đẹp và giá trị, để mọi người nhận ra nếu thiếu các Kitô hữu, xã hội thiếu mất một sức mạnh thiêng liêng và luân lý có khả năng gìn giữ xã hội khỏi những sự dữ.
Muối chấp nhận thân phận khiêm tốn làm gia vị nhưng một điều Chúa Giêsu cảnh báo không được mất chất. “Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.” Người ta khó có thể nhận ra bằng cơm mắt quan sát do muối được hòa vào các loại thực phẩm đã chế biến, nhưng khi nếm vào, giác quan vẫn cảm nhận được vị của muối. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng giống như muối, khi sống giữa môi trường thế gian, họ không được đánh mất chính mình. Muốn vậy, trong một sự khiêm nhường thật tâm, mỗi người chúng ta điều biết những giới hạn, tội lỗi và yếu đuối của mình để chúng ta đừng kiêu ngạo về các nhân đức mà mình đã lập nên. Cần phải kiểm điểm đời sống nội tâm, nhìn lại bản thân mình thường xuyên, coi chừng đừng để mình trở nên nhạt nhẽo, mất chất. Một Kitô hữu mà đời sống vô thần thực tiễn, chỉ còn danh là người có Đạo qua Bí tích Rửa tội, nhưng không sống Đạo thì có khác gì hạt muối mất đi bản chất vị mặn của mình, thế thì còn gì là ý nghĩa.
Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh mô tả thứ hai: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” có cùng một hình thức và ý nghĩa như cách nói đầu, nhưng còn cao cả hơn nữa! “Chúa là ánh sáng và là sự cứu chuộc của tôi” (Tv 27,1). Đến lượt Người mời gọi tôi hãy trở nên ánh sáng cho trần gian. “Anh em phải chiếu sáng, như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Trở thành ánh sáng của thế gian quả là một trách nhiệm to lớn. Người không kêu gọi con người đóng lòng khép kín, tách rời người khác. Sống tách biệt khỏi người khác chưa hẳn là một cách sống khiêm tốn, vì nhiều khi điều đó thể hiện một sự tự kiêu, muốn không giống ai để khẳng định đẳng cấp địa vị “tôi là phải như thế, nhắc đến tôi là phải vậy”, vừa thiếu tình liên đới, trong khi con người có tính xã hội, có tình liên đới với nhau.
Vâng, thân phận và hoàn cảnh của mỗi Kitô hữu khác nhau và cũng có thể nói là rất đa dạng: có người âm thầm hèn mọn như hạt muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh sáng thế gian. Và quả thật, đó một trách nhiệm cao cả khi Chúa Giêsu trao cho chúng ta một sứ mạng như vậy và cách thế để thực hiện nó. Chúa cũng muốn chúng ta tỏa sáng trong tư cách là ánh sáng. Vì thế, dẫu ra sao đi nữa thì có một điều phải nhìn nhận với nhau là chẳng ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà.
Chính thánh Phaolô đã nói trong Bài đọc thứ II: “Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa”. Vâng, chỉ ánh sáng của Thiên Chúa mới có thể soi sáng chúng ta. Nhưng Ánh Sáng ấy muốn soi sáng thông qua thân phận con người của chúng ta, chỉ là những chiếc bình sành mong manh dễ vỡ, nhưng Chúa dùng để tỏ bày vinh quang và ân sủng và quyền năng phi thường của Thiên Chúa được cho thiên hạ được biết.
Ngược dòng lịch sử 600 năm trước Chúa Giáng Sinh, tiên tri Isaia đã dạy chúng ta qua Bài đọc thứ I, phương thế để trở thành ánh sáng cho đời: Về mặt tiêu cực: đừng bao giờ khinh bỉ người khác, phải loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, nói xấu anh chị em mình. Về mặt tích cực là chia cơm cho kẻ đói, chia áo cho người nghèo, làm cho người đau khổ được hạnh phúc... Và "Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".
Có một nhà tu đức nói rằng “Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người Kitô hữu tốt. Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt, trước hết bạn hãy là một con người tốt.” Dù chúng ta có muốn làm thánh, trước hết và trên hết chúng ta phải là một con người biết sống đúng bổn phận của mình. Một em học sinh muốn trở thành nhà bác học lừng danh, thì trước hết tuổi thơ của em phải là những học sinh gương mẫu, em phải biết chu toàn tốt bổn phận học trò của mình mới mong rạng rỡ cho gia đình và xã hội. Vì vậy mọi người đều có sứ mạng phải tác động tốt lên môi trường mình sống. Không tác động tốt thì không còn là Kitô hữu nữa.
Cách đây ít lâu một đoạn phim ngắn được chiếu trên đài truyền hình Paris nước Pháp. Đầu tiên người ta nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ, một đôi bàn tay xinh xắn và nõn nà đang săn sóc một vết thương lở loét trông thật ghê sợ. Tiếp theo là cảnh một nữ tu bác ái đội voan chùm đầu đang phục vụ một người bị bệnh phong. Rồi đến cảnh một khán giả đang ngồi xem truyền hình nói với người bên cạnh: “Có cho tôi một ngàn franc, tôi cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm ấy!”.
Cuối cùng là cảnh phóng viên hỏi chị nữ tu kia: “Xin hỏi chị đã phục vụ các bệnh nhân phong ở đây được bao lâu rồi?”
Nữ tu trả lời: “Thưa được gần 20 năm”.
Phóng viên hỏi tiếp: “Thế mỗi tháng chị nhận được thù lao bao nhiêu?”
Nữ tu trả lời: “Thưa không có đồng nào cả!”.
Câu hỏi tiếp: “Có người nói: Dù có cho họ một ngàn franc, họ cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm này. Vậy tại sao chị lại sẵn lòng làm việc này không công tới gần hai mươi năm?”
Nữ tu trả lời: Tôi cũng vậy, có cho tôi một triệu franc tôi cũng không muốn làm việc này. Nhưng chính do lòng yêu mến Chúa Giêsu mà những bệnh nhân này là hiện thân của Người, nên tôi sẵn sàng làm tất cả mà không cần bất cứ thù lao nào hết!”
Lạy Chúa, là muối đất, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, Chúa dạy con là Kitô hữu, cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống tỏa lan tình người. Dù chỉ là một ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, cho dù phải đương đầu với biết bao sóng gió nhưng vẫn phải giữ cho ngọn đèn đó cháy sáng, vì biết đâu xa xa ngoài khơi vẫn còn có ai đó đang cần một chút ánh sáng để định hướng vào bờ. Xin Chúa giúp cho ngọn đèn của con luôn cháy sáng. Amen.