
CẦU NGUYỆN THEO Ý CHÚA HAY THEO Ý MÌNH? - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần XXIII Mùa Thường Niên | Lc 6:12-19 | Lm Cao Nhất Huy

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Ba Tuần XXIII Mùa Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (6: 12-19)
2 Hôm ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
SUY NIỆM
CẦU NGUYỆN THEO Ý CHÚA HAY THEO Ý MÌNH?
Lạy Cha, nếu được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con”
(Lc 22,42)
--//--
Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lên Thiên Chúa Cha, chúng ta thấy có một điểm rất đặc biệt, đó là luôn theo một khuôn mẫu của sự vâng phục. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta được mời gọi để thưa “vâng” với Thiên Chúa, và để trả lời bằng từ “amen” của việc gắn bó, của lòng trung thành với Ngài bằng toàn thể cuộc sống chúng ta” (Bài Giáo Lý Thứ 36 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện).
Quả thế, Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về sự cầu nguyện, Ngài luôn thưa “vâng” với Thiên Chúa Cha và luôn trả lời bằng từ “amen”, nghĩa là trung thành trọn vẹn với sứ vụ được Cha trao phó:
Trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Cha: “Lạy Cha, nếu được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con” (Lc 22,42). Một lời cầu nguyện trong nỗi đau khổ và sợ hãi của thể xác trước giờ chịu nạn, nhưng vẫn vâng phục tuyệt đối và trung thành đến cùng với sứ vụ được Cha giao phó. Sự vâng phục và trung thành tuyệt đối đó lên tới đỉnh cao trên thập giá khi Ngài bị các thủ lãnh và quân lính chế diễu: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!… Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23: 35-37). Đứng trước lời thách thức ngạo mạn hoà lẫn với sự đau đớn tột cùng của thể xác, nhưng Chúa Giêsu vẫn vâng phục và trung thành cho đến hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23: 46).
Mẫu gương cầu nguyện nơi Chúa Giêsu cho chúng ta nhận ra điều gì?
Chúa Giêsu không chỉ sợ hãi mà còn đau đớn trong giờ tử nạn (tạm gọi là thất bại trước mắt người đời) và Ngài đã cầu nguyện cùng Cha rất nhiều lần và liên lỉ để được “giải thoát”, nhưng Chúa Cha vẫn im lặng - một sự im lặng đáng sợ. Đây là điểm mà chúng ta dễ gặp và thậm chí gặp thường xuyên trong cuộc đời: Cầu nguyện mãi mà không được. Nhưng nơi Chúa Giêsu, trước lời khiêu khích của các thủ lãnh và lính tráng, Ngài có thể dùng quyền năng Thiên Chúa để xuống khỏi thập giá (tạm gọi là chiến thắng), nhưng Ngài đã không làm như vậy, mà vâng phục và trung thành cho đến cùng.
Trước hành trình đó của Chúa Giêsu, chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình và thấy rằng mình thiếu vâng phục và trung thành trong cuộc sống; cũng thiếu tin tưởng và kiên nhẫn trong lời cầu nguyện. Chẳng hạn có nhiều người khi làm việc, họ xin Chúa giúp cho thành công. Thế nhưng, làm mãi mà chẳng thấy thành công, thế rồi đổi hết việc này đến việc kia, mà không trung thành và kiên trì để nâng cấp bản thân và trình độ tri thức cho phù hợp với công việc. Cuối cùng, chạy khắp nơi, làm các loại công việc, nhưng không đạt kết quả.
Hoặc cũng có nhiều thanh niên nam nữ xin đi tu, rồi cũng cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và trợ lực. Thế nhưng, khi vào nhà dòng thì bất mãn điều này điều kia, không hợp điều này điều nọ, khó quá thì lại làm theo ý riêng mình và không theo ý Chúa (nội quy và linh đạo nhà dòng)… Cuối cùng, đành xin đi dòng khác cho phù hợp. Và cứ như thế, chạy lòng vòng hết nhà dòng này đến nhà dòng kia, nhưng vẫn không tìm thấy ơn gọi phù hợp với mình. Nếu sáng suốt nhìn lại quá trình đi tìm hiểu thì thấy mình thiếu kiên trì và sửa đổi bản thân, không hoàn toàn vâng phục và trung thành với ơn gọi: Chúa Giêsu bị thách thức nhưng Ngài vẫn theo ý Cha, còn chúng ta bị anh chị em trong nhà dòng thách thức thì sẵn sàng đáp trả và thậm chí bỏ nhà dòng này để đi tìm nhà dòng khác… Cuối cùng, vẫn không thấy mình phù hợp với bất cứ dòng nào.
Vì thế, lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Chúa, không chỉ là con đường của môi miệng, mà còn là lối đi vào cuộc sống và sự dấn thân quyết tâm của chúng ta.
Lạy Cha, xin cho chúng con luôn biết noi gương Đức Giêsu để vâng phục và trung thành với thánh ý của Chúa. Xin cho chúng con biết kiên trì và sửa đổi bản thân mình trong cuộc sống. Amen.
Cao Nhất Huy