
Đừng Đánh Mất Cảm Thức Về Tội Lỗi - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần VI Mùa Phục Sinh Ga 16:5-11 | Lm Cao Nhất Huy

Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh
Hiệp thông loan báo Tin Mừng
Ca nhập lễ: Kh 19: 7.6
Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì Đức Chúa toàn năng là Thiên Chúa chúng ta đã lên ngôi hiển trị. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1: Cv 16: 22-34
Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
Hồi ấy, đám đông ở Phi-líp-phê nổi lên chống ông Phao-lô và ông Xi-la. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại.
Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra. Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi. Nhưng ông Phao-lô lớn tiếng bảo: “Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà!”
Viên cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phao-lô và ông Xi-la, 30 rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?” Hai ông đáp: “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Hai ông liền giảng lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.
Đáp ca: Tv 137: 1-2a.2bc-3.7c-8 (Đ. x. c.7c)
Đ. Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con.
Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.
Đ. Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con.
Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự. Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.
Đ. Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con.
Ngài lấy tay uy quyền giải thoát con. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
Đ. Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con.
Tung hô Tin Mừng: x. Ga 16: 7.13
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói: “Thầy sẽ sai Thần Khí sự thật đến với anh em; Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Ga 16: 5-11
Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi”.
Ca hiệp lễ
Đức Ki-tô phải chịu khổ hình và từ cõi chết sống lại, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người. Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM
ĐỪNG ĐÁNH MẤT CẢM THỨC VỀ TỘI LỖI
“Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi” (Ga 16: 8)
---/---
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Thầy sẽ sai Thánh Thần đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi”. Thế gian sai lầm về tội lỗi là như thế nào?
Chúng ta thấy, lúc đóng đinh Chúa Giêsu, người Do thái không nghĩ là họ phạm tội, mà họ lại nghĩ là đang thay Thiên Chúa để trừng phạt kẻ nói lộng ngôn là Chúa Giêsu: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (x. Ga 10: 31-42). Nhưng khi Chúa Giêsu sống lại và Tin Mừng Phục Sinh được rao giảng, thì họ chỉ đơn giản hỏi các môn đệ là: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2: 37). Đối với họ, chuyện sai trước kia chỉ đơn giản là nhầm lẫn thôi (không biết không có tội), còn bây giờ sự thật đã được phơi bày thì coi như xí xoá, làm lại từ đầu theo sự hướng dẫn của các môn đệ. Họ không cảm thấy đó là tội lỗi kinh khủng của mình.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã từng cảnh báo rằng: “Tội lớn nhất hiện nay, đó là việc con người đánh mất cảm thức về tội” (Diễn văn ngày 26.10.1946; DC, số 43, cột 1380). Vậy, khi nào thì một con người sẽ đánh mất cảm thức về tội?
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một câu mang tính “hot trend” là: “Đúng nhận, sai cãi”. Câu nói này xuất phát từ quan niệm của xã hội là: Nếu một người biết mình có lỗi thì chấp nhận và sửa sai. Thoạt đầu nghe có vẻ hợp lý và chuẩn xác, nhưng nếu hiểu sâu hơn, người ta sẽ phát hiện ra rằng, câu nói này không ổn. Thế mà quan niệm này đã trở thành lối sống của một số người hiện nay. Đối với họ, những sai trái đó chỉ đơn giản là tiêu chí đúng hoặc sai thôi, hoặc một sự nhầm lẫn dẫn đến sai lầm. Nếu đúng thì không sao, còn sai thì sửa cho đúng, họ không quan tâm đến “hậu quả” của những lỗi lầm đó. Như thế, “đúng và sai” đó chỉ đơn giản là cái cần gạt: gạt qua thì đúng, gạt về thì sai; và khi nó ở sai vị trí thì chỉ cần gạt cái cần cho nó về đúng vị trí. Về lâu về dài, người ta sẽ mất luôn cảm thức về tội lỗi và hậu quả của nó gây ra. Đó chính là sự nguy hiểm trong lối sống “bình thường hoá” với quan niệm “đúng nhận, sai cãi”.
Để thoát khỏi việc mất cảm thức đức tin, chúng ta hãy ý thức rằng: Khi phạm tội, lúc làm điều sai trái, hay khi nhầm lẫn điều gì đó, thì nó không chỉ kết thúc ở hành động sửa sai. Nhưng trên hết, nó còn gây hậu quả cho chính mình, cho người bị tổn thương, cho những người xung quanh và cho cả Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi chúng ta chửi bới, mạt sát một ai đó, rồi xin lỗi họ thì đừng cho rằng xin lỗi là xoá hết mọi lỗi lầm đối với người kia, bởi vì họ vẫn phải chịu tổn thương tâm hồn do hành động của mình gây nên. Hãy nhìn chính mình để thấy được hậu quả khủng khiếp của tội lỗi gây nên. Khi có người tát mình hai cái, sau đó họ xin lỗi, liệu mình có tha thứ cho họ được ngay không? Sự chưa tha thứ đó là lỗi của mình, nhưng cũng là hậu quả của tội do người kia gây nên.
Vì thế, chúng ta hãy bỏ ngay quan niệm “đúng nhận, sai cãi” và sửa sai xong là “huề”. Nhưng hãy ý thức về hậu quả của nó để lại, nhờ đó chúng ta sẽ có cảm thức về tội lỗi của mình khi vô tình hay cố ý vi phạm.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đồng hành và hướng dẫn chúng con mỗi ngày, để nhờ đó chúng con nhận ra những sai lầm về tội lỗi của mình mà cố gắng xa lánh. Amen.
Cao Nhất Huy