Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Tư Tuần XIII Mùa Thường Niên - THÁNH TÔMA, tông đồ - Lễ kính | Ga 20,24-29 | Phút Cầu Nguyện
THỨ TƯ TUẦN XIII MÙA THƯỜNG NIÊN
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20,24-29)
24 Hôm ấy, có một người trong nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. 27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. 28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. 29 Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.
SUY NIỆM
Thánh tông đồ Tôma, mà Giáo hội mừng kính hôm nay, vắng mặt trong lần Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ. Để rồi, khi nghe các anh em thuật lại việc Chúa Giêsu đã hiện ra với nhóm Mười Hai, Tôma đã thực sự hoài nghi. Bởi lẽ, nếu Chúa Giêsu thực sự hiện ra với các anh em thì chắc chắn họ sẽ mạnh mẽ hơn và can đảm hơn. Trái lại, các tông đồ vẫn nhốt mình trong phòng với “cửa đóng then cài”, vì trong lòng vẫn còn lo âu sợ hãi nên không dám bước ra để loan báo Đức Kitô đã phục sinh.
Hiểu như thế, độc giả có thể phần nào cảm thông được sự cứng lòng, chưa vội tin của Tôma trước lời chứng của các tông đồ. Có lẽ, Tôma muốn trải nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu cách riêng tư hơn, để thốt lên lời tuyên xưng mang tính cá vị hơn. Đó là một Thiên Chúa mà ông đã từng bước theo, chính là Đấng đã mang những dấu đinh nơi bàn tay và vết thương ở cạnh sườn. Bởi lẽ, chỉ có nơi thập giá - đỉnh điểm của hiến lễ tình yêu - mà ông có thể cảm nếm và nối dài tình yêu đích thực của Thầy Giêsu trong sứ mạng chứng tá của mình. Tính riêng tư và cá vị trong lời tuyên xưng mạnh mẽ: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” như một lời đáp trả với Đấng đã sống và chết cho Tôma. Chính Đấng ấy đã sống lại để tiếp tục trao ban sự sống vĩnh cửu và bất diệt cho những ai dám tin và bước theo Người. Có thể nói, dấu vết của sự yếu đuối chối bỏ đã được tẩy xoá nhờ lòng thương xót và tha thứ; dấu vết của sự nhát đảm trốn chạy đã được tẩy xóa nhờ sự đón nhận và mời gọi trở nên chứng tá của Đấng phục sinh. Tất cả như kết dệt nên lời tuyên xưng hùng hồn và sống động của thánh nhân.
Đời sống đức tin của người Kitô hữu cũng vậy, khởi đầu với hồng ân tái sinh trong bí tích Thánh tẩy, làm con Chúa và trở nên chi thể của thân thể mầu nhiệm. Nhưng kinh nghiệm sống đức tin chỉ thực sự bắt đầu khi mỗi Kitô hữu đã trải nghiệm và xác tín cá vị và mạnh mẽ với Đức Kitô, như thánh Tôma: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Bởi khi ấy, mỗi người đã trả lời được câu: “Chúa là ai trong cuộc đời tôi?”, nhất là ngang qua kinh nghiệm về sự yếu đuối sa ngã mà vẫn “được yêu” với cả con người của mình.
“Xin ban thêm niềm tin, để con thấy Chúa luôn đồng hành. Cho con thêm sức mạnh, để con thắng vượt ngàn gian nan”. Lạy Chúa, ca từ bài hát (Cho con thấy Chúa của sơ Hiền Hòa) như lời cầu xin chân thành của mỗi chúng con, để hằng ngày chúng con thêm ý thức và mạnh mẽ, phải trở nên lời chứng sống động rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Amen.