Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên - Khánh Nhật Truyền Giáo | Lc 24:44-53 | Lm Alfonsô

avatarby
21/10/2023
1.9K
Hôm nay Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bủa vây và tìm cách chế ngự họ. Vâng, không phải ngày nào trong cuộc sống của chúng ta cũng thanh thản và trong sáng, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của Người trước Cuộc Khổ nạn của Người: “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33). Vì vậy, Đức Phanxicô mời gọi “chúng ta đừng để mình bị cướp mất hy vọng!” (Evangelii Gaudium, 86). Chúa lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta, nhất là nếu chúng ta đối diện với chúng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới... Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên, Khánh Nhật Truyền Giáo, Lc 24:44-53, Lm Alfonsô, Suy Niệm

Suy Niệm Lời Chúa
Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên
Khánh Nhật Truyền Giáo

Hiệp thông loan báo Tin Mừng

Bài đọc I: Is 2,1-5

“Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðiềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Ðiềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó. Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.Đó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Rm 10,9-18

“Lòng tin có là nhờ nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Nhưng người ta kêu cầu thế nào được với Ðấng mà họ không tin? Hoặc làm sao họ tin được Ðấng họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng? Mà rao giảng thế nào được, nếu không được ai sai đi? Như có lời chép rằng: “Cao quý thay chân những người rao giảng sự bình an, rao giảng tin lành!” Nhưng không phải mọi người đều suy phục Tin Mừng cả đâu. Vì Isaia nói rằng: “Lạy Chúa, nào có ai tin lời chúng con rao giảng?” Vậy lòng tin có là nhờ nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe đến? Quả thật, tiếng của những vị đó đã vang dội ra khắp địa cầu, và lời của những đấng ấy được truyền đến tận cùng thế giới. Đó là lời Chúa.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 24,44-53)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem.Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen. Đó là lời Chúa.

Suy niệm

“Khánh nhật” theo từ cổ nghĩa là mở ra một ngày trọng đại, có một sự kiện đặc biệt. Khánh nhật Truyền giáo là ngày Giáo hội mời gọi tín hữu toàn cầu hợp lòng một ý cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng như lệnh truyền của Chúa Giêsu từ khi thiết lập Hội Thánh. Cách cụ thể mỗi năm, Giáo Hội cũng dành riêng một Chúa Nhật tuần III tháng 10 để kêu gọi các tín hữu cầu nguyện, đóng góp về Tòa Thánh Vatican, để lo công cuộc truyền giảng Tin Mừng khắp nơi trên thế giới. Với Sứ điệp Truyền Giáo lần thứ 97/ 2023 này, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu nghiền ngẫm và thực thi với chủ đề “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”.

Khi hiện ra với hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết Người chính là Đức Kitô đã chịu đóng đinh. Người không né tránh khỏi đau khổ, thiếu thốn, bị từ khước và thậm chí án tử. Nhưng Đấng chịu đóng đinh lại chính là Đấng Phục Sinh, Người đã kinh qua cái chết để bước vào vinh quang. Với bằng chứng những gì Chúa Giêsu đã trải qua, Người mời gọi các môn đệ không sợ hãi, nhưng sẵn lòng dấn thân thực thi sứ mạng ra đi làm chứng về biến cố trọng đại này. Khởi đi từ Giêrusalem là nơi trung tâm ra vùng ngoại biên, khởi đi từ biến cố mang tính lịch sử ra đi với một lòng tin vững mạnh rằng không phải nghe ai nói, nhưng chính mình đã gặp gỡ, đối diện và tận mắt chứng kiến Đấng Phục Sinh.

Như lời hứa của Thiên Chúa về một Đấng Emmanuel, giờ đây, Người không hiện diện bên các ông theo kiểu hữu hình nữa, nhưng sẽ cùng đi với các ông trên mọi nẻo đường hoạt động. Để rồi, từ nay không gì có thể ngăn cách người môn đệ với Thầy của mình nữa. Một giai đoạn lịch sử cứu độ được hoàn tất và sang trang cho một kỷ nguyên mới là sứ vụ người môn đệ Chúa gieo rắc Tin mừng.

Thật là vinh dự cho chúng ta được tiếp nối các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa, và làm chứng nhân cho Ngài. Trước một thách đố nặng nề vì còn 80% cư dân trên hành tinh này chưa đón nhận Tin mừng. Thậm chí, lời loan báo Tin mừng khởi đi từ Giêrusalem, nhưng cũng đừng quên mất Giêrusalem, nơi hiện nay đang xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas, đến tận vùng ngoại biên Viễn Đông nơi bao nhiêu người dân khổ đau vì cuộc chiến giữa Ukraine và Nga. Cho nên, Truyền giáo không thể chỉ là việc tuân giữ các Giới Răn của Chúa vì khi đó mới chỉ là giữ đạo chứ chưa truyền đạo. Truyền giáo không dừng lại ở việc đi lễ, đọc kinh cầu nguyện cho xong bổn phận vì đó mới chỉ là hành vi của sự giao hoán, tạ ơn để đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho mình, mà chúng ta đền đáp thế nào cho cân xứng. Truyền giáo cũng không phải là cứ thuyết giảng thật lôi cuốn để thu hút nhiều người vì như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang Đạo vào đời như muối như men ngấm ngầm ướp mặn trần gian.

Vì thế, trong hoạt động truyền giáo, người loan báo là người cần được Tin mừng lời Chúa soi sáng và biến đổi tâm hồn mình trước tiên. Từ đó, vị sứ giả mới có thể có tinh thần của một người “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”. Đó là tâm trạng của một người mang niềm vui chiến thắng, mang Tin mừng Cứu độ và bình an mà tiên tri Isaia đã báo trước: Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.”

Với lòng thương xót bao la, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để đặt niềm tin và mời gọi với chúng ta, bất chấp mọi thất bại, nghi ngờ, yếu đuối, và cả sự thất vọng, bi quan khiến chúng ta trở nên “khờ dại và chậm chạp”, khiến chúng ta trở nên yếu đức tin. Giống như ngày hôm ấy ở làng Emmaus mà trình thuật Tin mừng Luca cho biết, Chúa Phục Sinh kiên nhẫn dẫn giải Kinh Thánh, khai lòng mở trí cho các môn đệ và nhất là qua cử chỉ Bẻ Bánh để các ông nhận ra Người. Kết quả là một sự thay đổi tận căn nơi các môn đệ: lòng các ông bừng cháy khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh, mắt các ông mở ra khi nhận ra Người. Và cuối cùng, chân các ông rảo bước lên đường vượt qua sự sỡ hãi của đêm khuya, bóng tối, hiểm nguy.

Hôm nay Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bủa vây và tìm cách chế ngự họ. Vâng, không phải ngày nào trong cuộc sống của chúng ta cũng thanh thản và trong sáng, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của Người trước Cuộc Khổ nạn của Người: “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33). Vì vậy, Đức Phanxicô mời gọi “chúng ta đừng để mình bị cướp mất hy vọng!” (Evangelii Gaudium, 86). Chúa lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta, nhất là nếu chúng ta đối diện với chúng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới.

Chuyện kể về nhạc sư sáng tác người Ý, Giacomo Puccini, để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch – Opera – rất nổi tiếng, chẳng hạn như La Bohême và Madame Butterfly. Năm 1922, lúc 64 tuổi, ông bị ung thư ác tính. Mặc dù cơn bệnh hành hạ thân thể, Puccini vẫn nhất định phải hoàn tất vở ca kịch Turandot mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông.

Ông làm việc ngày đêm. Nhiều người khuyên can ông phải nghỉ ngơi vì nghĩ rằng ông không thể nào hoàn tất vở ca kịch này được. Khi căn bệnh trở nên trầm trọng, Puccini đã viết cho học trò của mình: “Nếu thầy không hoàn tất vở ca kịch Turandot được, thầy muốn các con tiếp tục công việc ấy cho thầy”.

Năm 1924, ngày số phận đã tới, khi Puccini sang Bỉ giải phẫu, ông qua đời hai ngày sau đó. Các học trò của ông quy tụ nhau lại, mỗi người một tài năng khác nhau tiếp tục sáng tác vở ca kịch Turandot của thầy để lại. Sau khi nghiên cứu và làm việc với tất cả tâm hồn, họ đã hoàn tất vở ca kịch này.

Năm 1926, lần đầu tiên trên thế giới, vở ca kịch đã được trình diễn tại nhà hát ca kịch La Scala ở Milan. Vở này đã được điều khiển bởi người nhạc trưởng môn sinh rất được Puccini ưa thích, Arturo Toscanini. Tất cả mọi sự diễn tiến tốt đẹp cho đến khi dàn hoà tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puccini đã sáng tác dang dở. Những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của nhạc trưởng. Ông ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra khán giả và nói lớn: “Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu và không một tiếng động!

Sau vài phút, người nhạc trưởng cầm cây đũa điều khiển lên, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ rơi và nói lớn: “Nhưng các môn sinh của ông đã hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch Turandot kết thúc, cả nhà hát bùng lên tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Trong rạp hát không còn một con mắt nào khô ráo. Ai cũng rơi lệ và không ai có thể quên được giây phút ấy.

Lạy Chúa, lắng nghe Lời Sứ điệp Truyền Giáo lần 97 này, xin cho chúng luôn biết bắt đầu lại để lên đường một lần nữa nhờ Thần Khí Chúa thúc đẩy và hâm nóng trong con như Chúa đã thắp lại ngọn lửa đức tin của các môn đệ Emmaus. Để với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng con chuyển động, Chúa mời gọi con hãy lên đường để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người. Amen.

Lm Alfonsô

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT