Header

Vai Trò Của Đức Tin Trong Đời Sống Đạo - Suy Niệm Thứ Hai Tuần 28 TN (Lc 11: 29-32) - Lm Cao Nhất Huy

avatarby Cao Nhất Huy
15/10/2023
4.8K
Đức tin đóng một vai trò chính yếu trong đời sống của người Kitô hữu. Mặc dù Thiên Chúa là Đấng quyền năng và đầy lòng yêu thương, có thể cho bất kỳ một phép lạ nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, nhưng nếu chúng ta không có đức tin, thì phép lạ ấy cũng chỉ là một “sự kiện lạ” chóng qua, suy niệm lời chúa hằng ngày, đức tin trong đời sống đạo, đức tin và phép lạ, đức tin làm nên phép lạ, Suy Niệm thứ hai tuần 28 thường niên, suy niệm lời chúa hôm nay, suy niệm lời chúa mỗi ngày, lời chúa mỗi ngày, Suy niệm lời chúa Phú Cường, Suy niệm lời chúa GKGĐ, Suy niệm Lời Chúa Ngày mai, Suy niệm Tin Mừng hằng ngày, Bài tin mừng ngày hôm nay, Giáo phận phú Cường,truyền thông phú cường, truyền thông giáo phận phú cường, phú cường, suy niệm mùa Chay, Mùa Chay, Mùa Chay I, Mùa Chay 1, hiệp thông Loan bao Tin mừng

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG


 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa”.

SUY NIỆM

VAI TRÒ CỦA ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG ĐẠO

"Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ…”

---/---

Tin Mừng kể lại, Đức Giêsu thường xuyên nhấn mạnh đến vai trò của đức tin đối với các môn đệ và những người đi theo Ngài. Chẳng hạn, khi nói về sức mạnh của lòng tin: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17: 6). Hoặc trong câu chuyện “người đàn bà bị băng huyết”, khi bà ta nghĩ: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!”, thì ngay lập tức, Đức Giêsu quay lại và nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con” (x. Mt 9, 20-22). Và ngay từ lúc đó, bà được khỏi bệnh. Như thế, đức tin đóng một vai trò chính yếu trong đời sống của người Kitô hữu. Mặc dù Thiên Chúa là Đấng quyền năng và đầy lòng yêu thương, có thể cho bất kỳ một phép lạ nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, nhưng nếu chúng ta không có đức tin, thì phép lạ ấy cũng chỉ là một “sự kiện lạ” chóng qua.

Bài Tin Mừng hôm nay, khi dân chúng xin Đức Giêsu dấu lạ để họ tin, tức là họ đã không tin ngay từ ban đầu. Vì nếu họ tin thì không cần phải có bất cứ một dấu lạ nào. Cho nên, Chúa Giêsu đã khiển trách họ: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Theo Đức Giám Mục Gultierrez: “Phép lạ không nhằm gây thán phục, nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ của Thiên Chúa”. Nghĩa là, qua phép lạ đó, chúng ta được biến đổi, được cứu độ, được thấy quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, chứ không phải nhờ phép lạ đó làm cho chúng ta được giàu có hơn, hoặc được khỏi bệnh một cách lạ lùng thì chúng ta mới tin. Vì dân chúng sống theo não trạng đó, nên năm xưa, Chúa Giêsu đã hiện diện ngay bên cạnh họ một cách khả giác và thực hiện vô số phép lạ mà họ vẫn không tin. Ngày nay, Ngài không còn hiện diện với chúng ta theo cách đó nữa, cho nên, dù Ngài có thực hiện bao nhiêu phép lạ mà không có đức tin thì chúng ta cũng không thể đón nhận phép lạ đó như ân sủng của sự biến đổi.

Một sự thật đáng buồn là không ít các Kitô hữu giữ đạo chỉ vì phép lạ. Chúng ta thấy đó đây vẫn có nhiều người đi xem bói, đi coi thầy. Thầy nào linh nghiệm thì họ đến, hết linh nghiệm thì họ bỏ đi thầy khác. Hoặc cũng có nhiều người đi vái tứ phương, đi cầu khắp chốn, chỗ nào “linh” thì “đông như kiến cỏ”, “hết linh” thì “vắng như chùa Bà Đanh”. Điều đó cho thấy: họ chẳng tin vào thần thánh, mà sống theo “chủ nghĩa duy lợi”, có lợi thì tin, không lợi thì bỏ. Hên thì được, xui thì đành chịu. Nếu não trạng này hiện diện nơi các Kitô hữu, thì chẳng những không giúp ích cho đời sống thiêng liêng mà còn biến đạo của chúng ta thành một kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và hạ thấp những chân lý đức tin.

Ngày hôm nay, phải chăng Chúa Giêsu cũng đang trách “thế hệ” chúng ta? Chúng ta cũng đi tìm một “dấu lạ” theo kiểu “vái tứ phương”?

Dĩ nhiên, chúng ta có quyền xin Chúa thực thi những “phép lạ” trong đời sống của mình, vì có những chuyện sức con người không thể làm được.… Nhưng chúng ta không nên xem phép lạ là điều kiện cần phải có để tin vào Chúa. Cầu xin là việc ta cần làm, cũng thể hiện niềm tin của ta vào Thiên Chúa, nhưng việc cầu xin đó phải là tâm tình: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6: 33).

Vì thế, niềm tin trưởng thành và vững chắc phải là: tôi giữ đạo và thi hành những điều Chúa dạy là vì tôi thực sự tin vào Chúa... chứ không phải vì Chúa sẽ làm phép lạ cho tôi giàu có, cho tôi trúng số, cho tôi thoát khỏi mọi bệnh tật hiểm nghèo... Những điều đó, chúng ta cứ cầu xin, còn ban hay không là do thánh ý quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, đức tin của chúng con yếu kém và thường mong chờ Chúa làm phép lạ. Xin Chúa thanh tẩy sự yếu đuối đó nơi chúng con và ban cho chúng con ơn đức tin để sống tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT