
Cha Bề Trên Cả Dòng Tên bước lên nói lời vâng phục Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
CHA BỀ TRÊN CẢ DÒNG TÊN BƯỚC LÊN NÓI LỜI VÂNG PHỤC ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
Hiệp thông – không chỉ là hình thức
Ngay trước đó, trong nghi thức trao Nhẫn Ngư Phủ, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle đã cầu xin: “Nguyện xin Đức Kitô hằng sống, Đấng đã xây dựng Hội Thánh trên đá tảng Phêrô, ban cho Cha chiếc nhẫn – ấn tín của người ngư phủ Galilê – để hôm nay Cha kế vị Thánh Phêrô, chủ trì sự hiệp thông trong sự hiệp nhất theo giáo huấn của Thánh Phaolô.”
Lời nguyện ấy vang lên như một tuyên xưng của toàn thể Giáo Hội: hiệp nhất không dựa trên cảm tính hay truyền thống đơn thuần, nhưng là sự kết nối có chiều sâu giữa sứ vụ Phêrô và sứ mạng của từng phần tử trong Nhiệm Thể Đức Kitô.
Việc Cha Bề trên Cả Dòng Tên tiến lên, cùng với giám mục, linh mục, phó tế, giáo dân và tân tòng, không chỉ là một “lượt bước theo nghi thức.” Đó là một sự bước đến với một nền linh đạo của thánh I-nhã và các bạn đầu tiên: bước đi của một Dòng tu đã từng hứa vâng phục Đức Giáo hoàng với một “tình yêu và trung thành đặc biệt,” như chính Thánh I-nhã đã viết:
“Phục vụ một mình Chúa và Hội Thánh là Hiền Thê của Người, dưới quyền Đức Giáo Hoàng Rôma, Đại Diện của Đức Kitô trên trần gian.” (Định Thức Thể Chế Dòng Tên #1)
Và Dòng Tên, qua Cha Bề trên Tổng quyền, công khai xác lập lại chiều kích vâng phục. Sự vâng phục ấy luôn được Thánh I-nhã nhìn nhận như một thái độ nội tâm sâu xa được hình thành qua phân định, cầu nguyện và hiệp nhất với Thánh Thần trong thực tại của lịch sử. Và hôm nay, thực tại ấy mang tên: Lêô XIV.
Dâng hiến điều tốt nhất của chúng ta cho Giáo Hội hoàn vũ
Trước đó, ngay trong ngày Đức Tân Giáo hoàng được bầu chọn (08/05/2025), Cha Arturo Sosa, S.J. đã gửi thư đến toàn thể Dòng Tên trên khắp thế giới. Trong một bức thư không dài nhưng rất rõ ràng, Cha Bề trên Cả nhấn mạnh rằng:
“Đây là cơ hội để canh tân một trong những chiều kích riêng biệt của đặc sủng mà chúng ta đã lãnh nhận nơi Thánh I-nhã và các bạn đầu tiên: lòng sẵn sàng đón nhận sứ mạng từ Đức Giáo Hoàng – Đấng Đại diện Đức Kitô trên trần gian.”
Ngài viết thêm:
“Tôi đã thưa lên cùng Đức Thánh Cha Lêô XIV ước nguyện của Dòng Tên: sẵn lòng cộng tác, đóng góp những gì là tốt nhất của chúng ta, ở bất cứ nơi nào và bằng bất cứ phương thế nào mà tầm nhìn phổ quát của ngài xác quyết như vậy.”
Lời hứa trung thành đó không phải là một nghi thức ngoại giao, mà là một sự tái khẳng định căn tính sâu xa của Dòng Tên trong việc sống tinh thần “Cùng Cảm Thức với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia), như Thánh I-nhã đã từng xác tín. Trong thư, Cha Sosa không nói nhiều đến chiến lược. Ngài chỉ nhắc đến một từ quen thuộc: “canh tân” – canh tân chiều kích đặc trưng của Dòng: sẵn sàng đón nhận sứ mạng từ người kế nhiệm Phêrô, với “tầm nhìn phổ quát” mà ngài được ban. Điều ấy cũng có nghĩa là Dòng Tên không phải chờ một mệnh lệnh mới để dấn thân, nhưng là sống trong tinh thần sẵn sàng được sai đi, và vào bất cứ lúc nào. Và như thế, Dòng Tên tiếp tục đặc sủng và sự dấn thân phục vụ của mình, như đã được sinh ra trong thời kỳ Giáo hội khủng hoảng, bước đi với Giáo Hội trong sự đồng cảm thức và vâng phục Vị Đại Diện Chúa Ki-tô nơi trần gian.
Từ Phêrô đến Giáo hội hôm nay
Việc Đức Tân Giáo hoàng xuất thân từ Dòng Augustinô, chọn khẩu hiệu In Illo uno unum – “Trong Đấng Duy Nhất, chúng ta là một” – và công khai bày tỏ cảm hứng từ Đức Lêô XIII, cho thấy một định hướng rõ nét: đặt phẩm giá con người, công lý xã hội và đối thoại với thế giới hiện đại ở trung tâm của triều đại mới.
Sự hiện diện của Cha Bề trên Cả trong buổi lễ không chỉ là một hành động tượng trưng, mà còn là một sự bắt đầu. Bắt đầu của một hành trình tiến đến với vị Mục Tử Mới của Giáo Hội, đồng hành với ngài và sẵn sàng được sai đi đến những biên cương. Dòng Tên, với truyền thống tri thức, mục vụ và phân định, đang đứng trước một lời mời gọi mới, không phải để lặp lại những mô hình cũ, mà để góp phần định hình “cảm thức đức tin” (sensus fidei) cho thế kỷ 21. Nếu trước đây Dòng Tên được sinh ra để đáp ứng một thời kỳ cải cách và biến chuyển, thì hôm nay, giữa khủng hoảng trí tuệ nhân tạo, bất định toàn cầu, và sự phân cực trên thế giới và trong lòng Giáo hội, Dòng Chúa Giêsu lại một lần nữa được mời gọi bước vào trung tâm của những dấn thân đó, theo hướng dẫn của Người Đại Diện Chúa Ki-tô.
Một lời nguyện, một cuộc lên đường
Kết thúc thư, Cha Bề trên Cả phó dâng Đức Thánh Cha cho Mẹ Maria, không phải đặt Đức Giáo hoàng dưới sự bảo trợ thông thường, mà là nối kết ngài với chiều kích “xin vâng vô điều kiện” – điều mà chính Đức Maria là gương mẫu trọn hảo.
“Mẹ là Đấng đã đón nhận tiếng gọi của Thánh Thần, tín thác rằng đối với Thiên Chúa, không gì là không thể.”
Với tinh thần ấy, trong triều đại Lêô XIV, Dòng Tên sẽ không chỉ là người phục vụ, mà là người bạn đường trong phân định, người góp phần hình thành nên những đáp ứng mới cho một thế giới đầy nhiễu loạn nhưng vẫn khao khát Thiên Chúa. Dòng Tên, như đã từng, sẽ tiếp tục dấn bước như cách Đức Maria Thưa “vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa: chúng tôi đã sẵn sàng, xin hãy sai chúng tôi đi.
Nguồn: dongten.net