Header

Cứ tám gia đình Ucraina thì có một gia đình buộc phải di tản để tìm kiếm sự an toàn

avatarby Vatican News
05/07/2025
21
Báo cáo về tình hình các gia đình trong chiến tranh ở Ucraina được trình lên Thánh Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina diễn ra tại Roma cho biết, tính đến tháng 4/2025, hơn 6,9 triệu người Ucraina phải di tản do Nga xâm lược nước này. Điều này có nghĩa là cứ tám gia đình Ucraina thì có một gia đình buộc phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm sự an toàn.

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
CỨ TÁM GIA ĐÌNH UCRAINA THÌ CÓ MỘT GIA ĐÌNH BUỘC PHẢI DI TẢN ĐỂ TÌM KIẾM SỰ AN TOÀN

Chủ đề chính được chọn cho Thánh Hội đồng Giám mục Công giáo Đông phương Ucraina năm nay là việc chăm sóc mục vụ cho gia đình trong hoàn cảnh chiến tranh.

Báo cáo được trình bày bởi phó chủ tịch Ủy ban gia đình và giáo dân của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina cho thấy90% người tị nạn Ucraina là phụ nữ và trẻ em. Nam giới vẫn ở lại để bảo vệ quê hương hoặc không thể rời đi do lệnh hạn chế xuất cảnh.

Các cộng đồng người Ucraina lớn nhất bên ngoài Ucraina do hậu quả của cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga là ở Đức (1,18 triệu người), Ba Lan (995 nghìn người), Cộng hòa Séc (398 nghìn người), Anh (hơn 200 nghìn người) và Hoa Kỳ (170 nghìn người).

Về ý định hồi hương của những người tị nạn, nếu như khi bắt đầu chiến tranh, hai phần ba số người tị nạn Ucraina hy vọng sẽ nhanh chóng trở về nhà, thì ngày nay tình hình đã thay đổi: một phần tư số người tị nạn Ucraina đang cân nhắc khả năng định cư lâu dài ở nước ngoài, và chỉ có 12% đã trở về.

Cũng có lo ngại về cuộc khủng hoảng dân số mà Ucraina đang phải đối mặt. Đức Giám mục Arkadij Trokhanovskij nhấn mạnh: “Theo số liệu của nửa đầu năm 2024, cứ 100 trẻ em chào đời thì có 286 người chết trong cùng thời gian này, và vào năm 2023, cứ 100 ca sinh thì có 265 ca tử vong ở Ucraina. Ucraina đang bước vào giai đoạn suy giảm dân số nghiêm trọng và việc giải quyết vấn đề này nên trở thành ưu tiên quốc gia”.

Trước tình hình khó khăn của đất nước, Giáo hội tại Ucraina đã chọn đứng về phía các gia đình “bị thương tích” và đang triển khai nhiều sáng kiến khác nhau để hỗ trợ họ. Nói về cách thức “Đồng hành cùng các gia đình tang tóc”, Cha Ihor Boyko, Giám đốc Chủng viện Thần học Lviv, cho biết: “Các nhóm hỗ trợ lẫn nhau là nơi các gia đình bị tổn thương bởi nỗi đau mất mát có thể chia sẻ, tâm sự, khóc lóc. Đó là nơi bạn có thể gặp gỡ những người gần gũi với bạn, những người hiểu và chào đón bạn vì mọi người đều đã trải qua cùng một trải nghiệm về nỗi đau và mất mát. Đó là trường học của nỗi đau, nơi bạn có thể học được rất nhiều điều. Đây không chỉ là nơi của những vết thương, mà còn là nơi để tạo ra hy vọng”.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

CHIA SẺ BÀI VIẾT