Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ các giáo sư đại học ngày 27/9/2024
TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG BUỔI GẶP GỠ
CÁC GIÁO SƯ ĐẠI HỌC NGÀY 27/9/2024
Đại học Công giáo Leuven
Thứ Sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024
Thưa Viện trưởng,
thưa các giáo sư,
anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi rất vui được ở đây giữa anh chị em và tôi cảm ơn Viện trưởng vì những lời chào mừng, trong đó ông nhắc lại lịch sử và truyền thống mà trường Đại học này đã bén rễ, cũng như một số thách đố chính ngày nay mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của Trường: cung cấp chương trình đào tạo toàn diện để mọi người nhận được những công cụ cần thiết để giải thích hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai.
Thực ra, giáo dục văn hóa không bao giờ có mục đích là chính nó và các trường đại học đừng bao giờ có nguy cơ trở thành “các thánh đường trong sa mạc”. Do bản chất, đó là những nơi thúc đẩy những ý tưởng và nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống và suy nghĩ của con người cũng như để đối mặt với những thách thức của xã hội. Nói cách khác, đó là những không gian sáng tạo. Thật tuyệt khi thấy rằng các đại học tạo ra văn hóa, tạo ra các ý tưởng, nhưng trên hết nó thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm sự thật, phục vụ cho sự tiến bộ của con người. Đặc biệt, các trường đại học Công giáo, như trường của anh chị em, được kêu gọi “mang lại sự đóng góp mang tính quyết định của men, muối và ánh sáng của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, những điều luôn mở ra những hoàn cảnh mới và những đề xuất mới” (Hiến chế Veritatis gaudium, 3).
Do đó, tôi muốn gửi đến anh chị em một lời mời đơn giản: hãy mở rộng các biên giới kiến thức! Vấn đề không phải là nhân rộng các quan niệm và lý thuyết, nhưng là biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống.
Có một câu chuyện ngắn trong Kinh Thánh được Sách Sử ký thuật lại và tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Nhân vật chính là Jabez, đã cầu nguyện với Thiên Chúa: “Chớ gì Ngài chúc phúc cho con và mở rộng biên giới của con” (1 Sk 4,10). Jabez có nghĩa là “nỗi đau”; anh được đặt tên như vậy vì mẹ anh đã đau đớn rất nhiều khi sinh ra anh. Nhưng giờ đây Jabez không muốn khép mình trong nỗi đau của chính mình, lê bước trong sự than thở. Thay vào đó, anh cầu xin Chúa “mở rộng ranh giới” của cuộc đời mình, để có thể bước vào một không gian rộng lớn hơn, chào đón hơn và được chúc lành.
Mở rộng biên giới và trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội là sứ mạng cao cả của một đại học.
Trên thực tế, trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy mình phải đối mặt với một tình huống mâu thuẫn, trong đó các ranh giới bị hạn chế. Một mặt, chúng ta đang đắm chìm trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng việc từ bỏ việc tìm kiếm chân lý. Chúng ta đã mất đi niềm đam mê không ngừng tìm kiếm. Thay vào đó chúng ta tìm an ủi và trú ẩn trong một ý nghĩ yếu đuối, trong niềm tin rằng mọi thứ đều bằng nhau, mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ chỉ là tương đối. Mặt khác, khi nói về sự thật trong bối cảnh đại học cũng như trong các lĩnh vực khác, chúng ta thường rơi vào thái độ duy lý, theo đó chỉ những gì chúng ta có thể đo lường và trải nghiệm mới có thể được coi là đúng, như thể cuộc sống chỉ đơn giản là vật chất và những gì có thể nhìn thấy được. Trong cả hai trường hợp, các ranh giới đều bị giới hạn.
Về loại giới hạn thứ nhất, chúng ta có sự mệt mỏi về tinh thần, khiến chúng ta thường xuyên bất ổn và thiếu vắng niềm đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa trong một thực tế vẫn không thể hiểu được thì vô ích. Cảm giác này thường xuất hiện ở một số nhân vật trong các tác phẩm của Franz Kafka, người đã miêu tả tình trạng bi thảm và đau khổ của con người thế kỷ XIX. Trong cuộc đối thoại giữa hai nhân vật trong một câu chuyện của ông, chúng ta thấy câu nói này: “Tôi tin rằng cô ấy không quan tâm đến sự thật chỉ vì nó quá mệt mỏi” (Racconti, Milan 1990, 38). Việc tìm kiếm sự thật thật sự mệt mỏi, bởi vì nó buộc chúng ta phải bước ra khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, đặt ra những câu hỏi cho chính mình. Và do đó, do sự mệt mỏi trí tuệ, chúng ta càng bị cuốn hút hơn bởi một cuộc sống hời hợt không đặt ra quá nhiều thách đố mới. Cũng giống như vậy, chúng ta bị thu hút nhiều hơn bởi một “đức tin” dễ dàng, nhẹ nhàng, thoải mái, không bao giờ đặt câu hỏi về bất cứ điều gì.
Về loại giới hạn thứ hai, ngày nay chúng ta một lần nữa có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy lý vô hồn chịu sự chi phối của nền văn hóa kỹ trị. Khi con người chỉ được coi là vật chất, khi thực tại bị giới hạn trong giới hạn của những gì hữu hình, khi lý trí bị thu hẹp lại thành toán học và thực nghiệm, thì nhiều thứ đã mất đi. Theo cách này, chúng ta mất đi cảm giác ngạc nhiên, khả năng kinh ngạc, để thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn, hướng mắt lên trời, khám phá ra chân lý ẩn giấu, trả lời cho những câu hỏi nền tảng như: Tại sao tôi sống? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Mục đích cuối cùng và cùng đích của cuộc hành trình này là gì? Romano Guardini tự hỏi: “Tại sao con người, bất chấp mọi tiến bộ, lại không biết chính mình và ngày càng trở nên không biết như thế? Bởi vì họ đã đánh mất chìa khóa để hiểu được bản chất của con người. Quy luật về sự thật của chúng ta nói rằng con người chỉ nhận ra chính mình nếu họ bắt đầu từ trên cao, từ bên trên họ, từ Thiên Chúa, bởi vì sự sống của họ đến từ Người”(Cầu nguyện và sự thật, Brescia 1973, 56).
Thưa các Giáo sư, chống lại sự mệt mỏi của tinh thần và chủ nghĩa duy lý vô hồn, chúng ta cũng hãy học cách cầu nguyện như Jabez: “Lạy Chúa, xin hãy mở rộng các ranh giới của chúng con!”. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho công việc của chúng ta, phục vụ một nền văn hóa có khả năng đối mặt với những thách thức ngày nay. Chúa Thánh Thần, Đấng chúng ta đã nhận được như một hồng ân, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm, mở ra những không gian suy nghĩ và hành động của chúng ta, cho đến khi dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (xem Ga 16,13). Chúng ta biết - như Viện trưởng đã nói với chúng ta vào lúc đầu – “rằng chúng ta chưa biết mọi thứ”, nhưng đồng thời, chính giới hạn này phải luôn thúc đẩy anh chị em tiến về phía trước, giúp anh chị em giữ được ngọn lửa nghiên cứu cháy sáng và vẫn là một cánh cửa mở để nhìn vào thế giới ngày nay.
Và về vấn đề này, tôi muốn chân thành nói với anh chị em: cảm ơn anh chị em! Cảm ơn anh chị em vì, bằng cách mở rộng biên giới, anh chị em đã tạo ra một không gian chào đón cho nhiều người tị nạn bị buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của họ, giữa hàng ngàn nỗi bất an, những khó khăn to lớn và đôi khi là những đau khổ khủng khiếp. Vừa mới đây chúng ta đã thấy một chứng tá rất cảm động trong video. Và trong khi một số người kêu gọi củng cố các biên giới, anh chị em, với tư cách là một cộng đồng đại học, đã mở rộng biên giới, anh chị em đã mở rộng vòng tay chào đón những người bị đau khổ này, để giúp họ học tập và phát triển.
Chúng ta cần điều này: một nền văn hóa mở rộng các biên giới, không mang tính “bè phái” hay đặt mình lên trên những nền văn hóa khác. Một nền văn hóa như men tốt ở trong thế giới, góp phần vào thiện ích của nhân loại. Nhiệm vụ này, “niềm hy vọng lớn nhất” này, được giao phó cho anh chị em!
Một nhà thần học của vùng đất này, một sinh viên và giáo sư của trường Đại học này, đã tuyên bố: “Chúng ta là bụi cây đang cháy để Thiên Chúa mặc khải chính Người” (A. GESCHÉ, Dio per pensare. Il Cristo, Cinisello Balsamo 2003, 276). Hãy giữ ngọn lửa này cháy mãi; hãy mở rộng các ranh giới! Hãy là những người không ngừng tìm kiếm sự thật và đừng bao giờ dập tắt niềm đam mê của mình, để không nhượng bộ trước sự lười biếng suy nghĩ. Hãy là những nhân vật chính trong việc tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, lòng trắc ẩn, quan tâm đến những người yếu thế nhất khi anh chị em tìm cách vượt qua những thách thức lớn lao của thế giới chúng ta đang sống.
Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt