
THẬP GIÁ - Chúa Nhật Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Năm A (Lc 9:23-26) | Từ ngữ Kinh Thánh

Từ ngữ Kinh Thánh
THẬP GIÁ
Chúa Nhật Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Năm A
(Lc 9:23-26)
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)
Thập giá (hay thập tự giá) là mẫu trang trí trong nhiều văn hóa cổ ở Đông phương cổ đại, Tiểu Á, Ai Cập. Sau cái chết của Chúa Giêsu, thập giá trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của người Kitô hữu.
Trong Cựu Ước đã có ghi nhận một dụng cụ hành hình dưới dạng cột trụ người bị mang án tử bị treo hay bị đóng trên đó (St 40,19; 41,13 Ds 25,4).Xuất phát từ Ba Tư, thập giá đã được người Hy lạp và người Rôma dùng để hành phạt các tử tội. Thời Chúa Giêsu, thập giá gợi lại cái chết thương đau của những người Do thái nổi dậy chống kẻ thống trị (Cv 5,34)
Thập giá gồm một thanh ngang (patibulunm) mà tử tội phải vác tới nơi hành hình ở ngoài thành, được đóng trên đỉnh cây cột thành hình chữ T (crux commissa hay patibulata) hay được đóng vào dưới đỉnh cột một chút (crux immssa) như dạng thập giá La tinh mà từ đó dẫn tới thập giá Hy lạp (crux capilata) có 4 cánh bằng nhau. Thập giá Giêrusalem có 4 thập giá nhỏ nằm ở giữa 4 cánh của thập giá lớn gợi lại thương tích của Chúa Giêsu.
Thập giá của Chúa Giêsu là thập giá Immissa vì phía trên đầu người có đóng bảng ghi án (Mt 27,37). Nhiều giáo phụ (Justinô, Irênê, Tertulianô) có nói tới một bệ tựa ở lưng chừng thập giá (sedile) để nâng xác cho khỏi bị ngạt thở quá mau. Ngoài ra không thấy ghi bệ tựa chân (suppedaneum) như các nghệ sĩ Kitô giáo thường trình bày.
Từ sau cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, thập giá trở nên biểu tượng của đời sống Kitô hữu phù hợp với đời sống Đức Kitô (Mt 10,39; 16,4 Rm 6,6). Thập giá là dấu chỉ ơn cứu chuộc Đức Kitô thực hiện cho loài người khi người chịu thay cho họ những khổ đau, hành hạ và cái chết ô nhục (Pl 2,8 Dt 11,26; 12,2 13,13), nhưng dưới mắt thế gian là điên dại và đối với người Do thái là gai chướng (1Cr 1,23 Ga 5,11). Dầu vậy “ngôn ngữ của thập giá” là “quyền năng của Thiên Chúa” (1Cr 1,18) đối với người được cứu độ (Gl 5,24) : chính khi vác thánh giá mình (Mc 8,34 Lc 9,23), Kitô hữu dự vào ơn cứu độ (Cl 1,20 ; 2,14 Cv 5,30; 10,39 13,29 1Pr 2,24) bằng cách hiệp thông lạ lùng với Đức Kitô (Gl 2,19-20). Thập giá trở thành biểu tượng Kitô giáo (Ga 19,34 Kh 2,7; 14,19; 22,2), là “cây trường sinh” Cựu Ước đã nói tới (St 2,9 3,22 Tv 1,3).