
Đối Với Tôi, Đức Kitô Là Ai? Suy Niệm Thứ Năm Tuần VI Thường Niên (Mc 8:27-33) - Lm Cao Nhất Huy

Suy Niệm Lời Chúa
THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
Ngày 16/02/2023
Ca nhập lễ: Tv 30: 3-4
Lạy Chúa, xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Chúa, vì uy danh Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
Bài đọc 1: St 9: 1-13
Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.
Bài trích sách Sáng thế.
Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nô-ê và các con ông. Người phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh hãi khiếp sợ các ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi. Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu. Nhưng Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình.
Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. “Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất”.
Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, 10 và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa”.
Thiên Chúa phán: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất”.
Đáp ca: Tv 101: 16-18.19-21.29 và 22-23 (Đ. c.20b)
Đ. Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần.
Chư dân sẽ sợ uy danh Chúa, mọi đế vương hoàn cầu uý kính Ngài vinh hiển. Vì Chúa sẽ xây dựng lại Xi-on, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ. Người đoái nghe dân bị bóc lột kêu cầu, chẳng khinh thường lời họ nguyện xin.
Đ. Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần.
Điều này phải ghi lại cho đời sau được biết, dân hậu sinh phải ca tụng Chúa Trời. Vì Chúa đưa mắt từ toà cao thánh điện, từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần, để nghe kẻ tù đày rên siết thở than và phóng thích những người mang án tử.
Đ. Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần.
Con cháu bề tôi sẽ an cư lạc nghiệp, và dòng giống tồn tại trước nhan Ngài. Rồi ra, ở Xi-on, người người sẽ rao truyền danh thánh Chúa, tại Giê-ru-sa-lem, ai nấy ngợi khen Người, khi mọi nước mọi dân tập trung về để thờ phượng Chúa.
Đ. Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần.
Tung hô Tin Mừng: x. Ga 6: 63c.68c
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mc 8: 27-33
Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Ca hiệp lễ: Tv 77: 29-30
Họ được ăn, ăn thật no nê, thèm thứ gì, Chúa đãi cho thứ đó, ước ao chi, họ chẳng hề thất vọng.
SUY NIỆM
ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI?
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
---/---
Chúa chọn các môn đệ không phải để làm quan chức trong thế gian, vì Nước của Ngài không thuộc về thế gian này (x. Ga 18: 36). Mệnh lệnh đầu tiên của người môn đệ khi được Chúa chọn là: “Các anh hãy theo tôi” (Mt 4: 19), chứ không phải làm những công việc lớn lao. Người môn đệ cần phải bước theo Chúa để “ở lại” với Chúa và trong Chúa. Ở lại với Chúa để hiểu được tâm tư của Chúa Giêsu, có chung thao thức với Ngài, vui niềm vui của Ngài, buồn nỗi buồn của Ngài. Nói cách khác, nhờ việc bước theo Chúa, người môn đệ mới biết được Thầy mình là ai.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, trước những dư luận về Đức Kitô, Ngài đã chất vấn các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Có lẽ từng môn đệ sẽ có câu trả lời tùy vào mối thân tình “ở lại” với Đức Kitô cách thâm sâu hay hời hợt. Vì thế, người môn đệ đích thực là phải bước theo Đức Kitô như Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”.
Thế nhưng, người môn đệ phải bước theo Đức Kitô trên con đường nào? Ngài không ngần ngại trả lời: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Đó là con đường của Đức Kitô, “con đường thập giá”. Hiểu được con đường ấy, người môn đệ mới có thể nhiệt tâm bước theo Đức Kitô một cách trọn vẹn. Vì Ngài đã từng nói: “Kho tàng của anh em ởđâuthì lòng anh em sẽ ở đó” (Mt 6: 21). Như vậy, vấn đề ở chỗ, tâm hồn của ta xác định được Chúa Giêsu là ai, thì đời sống của ta sẽ thể hiện ra như vậy.
Khi người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu về sự sống đời đời, Ngài đã trả lời rằng: “Anhhãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (x. Mc 10: 17-22). Sau câu trả lời của Đức Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Đối với anh, sự giàu sang mới là điều ưu tiên. Vì thế, Đức Kitô trong lòng anh không phải là “Đức Kitô của Thiên Chúa” mà là Đức Kitô của “sự giàu sang”.
Như vậy, đời sống của người Kitô hữu, tuỳ thuộc vào câu trả lời: Đối với tôi, Đức Kitô là ai?
Đối với những người không tin Chúa, Đức Kitô chẳng là gì hết. Khi họ nghĩ như vậy thì cuộc sống của họ hành động như không có Thiên Chúa. Họ mặc sức làm những việc sai trái, tội lỗi, hưởng thụ mà chẳng nghĩ đến hậu quả của những hành động đó, vì họ cho rằng chết là hết, chẳng có Thiên Chúa thưởng công hay luận tội.
Cũng có nhiều người tin vào Thiên Chúa, hoặc nghe đồn về Thiên Chúa, cuộc sống của họ thể hiện Đức Kitô như một “vị thần như ý”. Họ đến với Đức Kitô không phải muốn ở lại với Ngài, nhưng để xin xỏ điều này điều kia. Nếu được toại lòng thì họ loan truyền và tôn sùng Chúa như một vị thần. Nhưng nếu không được toại ý, thì họ giận dỗi vác tượng Chúa ra phơi nắng, đập nát rồi vứt đi, sau đó, kiếm ông thần khác linh nghiệm hơn.
Có lẽ, sống trong một thế giới đa dạng: vô thần, đa tôn giáo, người ta nhìn nhận về Thiên Chúa rất khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều, khi họ xác định Đức Kitô là ai, thì đời sống của họ sẽ diễn ra y như vậy.
Thế nên, đối với Người môn đệ Chúa, thì câu trả lời “Đức Kitô là ai đối với tôi?” là hết sức quan trọng, vì nó đưa đến một câu hỏi ngược lại tương ứng với đời sống mà họ thể hiện: Đối với Đức Kitô, tôi là ai?
Khi tôi chỉ coi trọng tiền của, giàu sang, địa vị… thì đối với người nghèo, người có địa vị thấp kém, tôi sẽ coi thường; lúc này, Đức Kitô chỉ là một vị “khách lạ”, và tôi đối với Ngài cũng chỉ là vị “khách lạ” mà thôi: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 44-45).
Trong đời sống gia đình, nếu vợ chồng, con cái biết yêu thương nhau, chăm lo cho nhau, quan tâm và thông cảm cho nhau thì chắc chắn Đức Kitô của họ là “Đức Kitô của Thiên Chúa”. Nhưng nếu ngược lại, họ chỉ lo kiếm tiền, phó mặc con cái cho trường học, thầy cô giáo, rồi cãi nhau suốt ngày chỉ vì tiền bạc, thì có lẽ Đức Kitô của họ là tiền bạc, danh vọng, địa vị… Và khi đó, “đối với Đức Kitô”, họ cũng giống như câu chuyện “người phú hộ và anh Lazarô” (x. Lc 16: 19-31).
Một người luôn đố kỵ, ghen ghét, thù hằn… thì Đức Kitô của họ không phải là “Đức Kitô của Thiên Chúa”, mà là một “cái tôi” to tướng và ích kỷ. Và khi đó “đối với Đức Kitô”, tôi giống như những người Kinh sư và Pharisêu.
Ý thức điều đó, để mỗi người chúng ta xét lại toàn bộ cuộc sống của mình. Qua đó, chúng ta sẽ biết được: Đức Kitô mà tôi đang bước theo là ai?
Lạy Chúa, câu hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” cũng là câu hỏi mà Chúa sẽ chất vấn chúng con mỗi ngày. Xin cho chúng con biết mạnh dạn thưa: “Thầy là Đấng Kitô”, để rồi, từng ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng con luôn thể hiện lối sống yêu thương, khiêm nhường, chính trực, hoan lạc, bình an… trong cuộc đời Kitô hữu của mình. Amen.