Chặng đường ban đầu của họ đạo Phước An

31/08/2017
2.6K
Trên những con đường hẻo lánh khúc khuỷu tại ấp Văn Hiên, xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, giáo dân vẫn hay bắt gặp hình ảnh cha sở Phaolô Nguyễn Quốc Tiến lui tới nơi các buôn làng hỏi han, thăm nom bà con...
Trên những con đường hẻo lánh khúc khuỷu tại ấp Văn Hiên, xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, giáo dân vẫn hay bắt gặp hình ảnh cha sở Phaolô Nguyễn Quốc Tiến lui tới nơi các buôn làng hỏi han, thăm nom bà con. Chưa tới 40 tuổi nhưng vị linh mục trẻ đã có những tháng ngày mục vụ đáng nhớ với một họ đạo mới và những giáo dân sắc tộc hiền lành, êm đềm sống ở mảnh đất nghèo khó, lắm gian nan này.

Cha Phaolô Nguyễn Quốc Tiến
Đường chông gai
Hôm chúng tôi ghé Giáo xứ Phước An (Giáo phận Phú Cường), khuôn viên giáo xứ kín người đến khám chữa bệnh miễn phí. Tiếng người lớn, trẻ con vang lên rộn rã. Cha Tiến qua lại ngó chừng chỗ này chỗ kia với dáng vẻ tất bật, bận rộn. Nhưng với cha, điều đó không là gì so với cái cực nhọc, vất vả trước đây.
Ngược thời gian, sau khi chịu chức linh mục ngày 25.7.2006, cha về giúp giáo xứ Lái Thiêu. Đến năm 2012, cha được giao sứ mệnh truyền giáo và gầy dựng xứ đạo Phước An, nơi Lời Chúa chưa được lan tỏa nhiều. Khi hay tin, người môn đệ không khỏi bất ngờ, lo âu. Từ phó xứ chuyển sang chánh xứ, từ môi trường thị xã chuyển về vùng sâu, bấy nhiêu khác biệt làm cha có chút bối rối. Tuy nhiên, với lời nhắn nhủ trong Tin Mừng:“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép...” (Lc 10,3-4), cha dần sẵn sàng đón nhận sứ vụ mới.

Cha Tiến Đi thăm đồng bào Stieng
Hè 2012, cha về Phước An trong âm thầm. Gọi là giáo xứ nhưng kỳ thực chưa có nhà thờ, nhà xứ, Hội đồng mục vụ hay đoàn thể. Một con số không tròn trĩnh bao trùm mọi thứ. Ròng rã năm đầu tiên, cha dâng lễ trên mảnh sân của một nhà giáo dân, bàn thờ thô sơ, ghế nhựa ngồi cũ kỹ, bên trên căng tấm bạt che nắng mưa. Có hôm mưa to, nước đọng trên bạt đổ sà xuống làm nhiều người ướt sũng, chỗ cha đứng bị dột, mọi người phải cầm dù che chắn. Hình ảnh bà con lạnh run dự lễ giữa cơn mưa rừng dai dẳng đã trở thành ký ức một thời...
Thương cảnh cha - con khổ sở, ông bà Gioan Lê Anh Tuấn, một giáo dân trong vùng, đã mua và hiến mảnh đất hơn 8.000m2 cho giáo xứ. Trên miếng đất chỉ có cây và cỏ, cha Tiến dựng lên ngôi nhà nguyện mới và nhà xứ. Nhà nguyện mới rộng rãi, cao ráo hơn với mái lợp tôn, nền gạch tàu, nhưng hai bên hông trống hoác, cửa chính cũng không có. Khi đang lễ mà mưa kéo đến, mọi người phải túm tụm tránh mưa hắt. Tận hôm nay, bà con vẫn đang sinh hoạt trong nhà nguyện ấy. Bớt cực so với trước nhưng vẫn chưa hết. Cả ghế ngồi và bàn quỳ cũng là đồ cũ của xứ khác xin về nên bong tróc, sờn bạc nhiều chỗ.

Đi thăm các gia đình trong họ đạo
Bên cạnh cái khó về cơ sở vật chất, Phước An còn thêm cái khổ về đạo nghĩa. Chỉ mới thành lập vào ngày 18.7.2012, giáo xứ hiện có 541 giáo dân cư ngụ trong bốn khu người Kinh và hai khu người Stiêng. Song hơn 80% gia đình nơi đây bị “rối đạo”, nguội lạnh. Lúc giáo xứ chưa thành lập, bà con đi lễ ở nhà thờ Bình Long cách đó 15 cây số. Đường sá xa xôi khiến nhiều người lơ là việc đạo. Ngoài ra, nỗi lo cơm áo gạo tiền kéo họ vào dòng chảy mưu sinh, bởi dân ở đây đa số đều nghèo, lam lũ. Mót mủ cao su, bốc vác, làm công nhật chỉ đủ đắp đổi, ứng phó từng ngày. Cách riêng với người Stiêng, đời sống còn vất vả, lao nhọc hơn. Họ thiếu thốn đủ thứ, từ y tế, vệ sinh đến ăn uống, giải trí... Cha Tiến chia sẻ: “Tiếp xúc thực tế với bà con làm mình thêm đồng cảm, thấu hiểu tâm tư họ. Lắng nghe tiếng lòng của con chiên, mình được tiếp thêm “lửa” phục vụ, dấn thân...”.
Sắc màu hạnh phúc
Gần ba năm về Phước An, tóc cha đã điểm nhiều sợi bạc vì phải lo toan, nghĩ suy tái thiết mọi mặt cho giáo xứ. Sau nhiều công sức bỏ ra “gieo trồng”, cha và bà con cũng đã “gặt hái” được những niềm vui lớn nhỏ. Trung Thu năm 2012, trẻ con của 10 ấp kéo đến mảnh sân nhỏ mừng Tết thiếu nhi đầu tiên do cha tổ chức. Ai nấy đều chăm chú, thích thú khi được xem múa lân, ca hát, nhảy múa, nhận quà bánh, được thưởng thức chín gian hàng ẩm thực. Có lẽ lâu lắm rồi, những đứa trẻ đen nhẻm, rụt rè vùng đèo heo hút gió này mới được cười, được vui chơi thỏa thích như thế. Một đêm để lại trong ký ức các em bao kỷ niệm và ước mơ.
Đến ngày 18.7.2013, dịp kỷ niệm một năm thành lập giáo xứ, HĐGX chính thức ra mắt, điểm thêm nét khởi sắc tại một xứ đạo non trẻ. Lần lượt Caritas, hội Hiền Mẫu hình thành. Cha nhờ thầy giúp xứ phổ cập cho các anh chị về vi tính để tiện làm việc và mở mang thông tin.
Cùng với việc lo toan cho hội đoàn đoàn thể, cha còn chăm chút đến đời sống giáo dân. Đồng bào Stiêng trước nay hầu như không có nhà tắm và nhà vệ sinh. Họ không mảy may quan tâm và cũng chưa được ai ngó ngàng tới nhu cầu tối thiểu đó. Cảm thương vô vàn, tìm nguồn hỗ trợ, cha xây hai khu vệ sinh đầu tiên tại sóc Trào B. Là nhà vệ sinh chung nên những ai sống gần quanh đều có quyền sử dụng. Anh Điểu Bloi, Trưởng sóc thật tình: “Có cái nhà này, chuyện an toàn vệ sinh và sức khỏe được cải thiện rõ rệt, trẻ con bớt ngứa ngáy, phụ nữ có chỗ giặt giũ thoải mái”.

Căn nhà tình thương cho cha làm
Cũng từ các lần đi thực tế, cha nhận thấy có nhiều gia đình sống chật vật, khổ sở trong mái nhà xiêu vẹo, xuống cấp trầm trọng. Ông bà, vợ chồng, con cái dắt díu nhau, cam chịu như vậy nhiều năm trường. Tội nhất là trẻ con và người già phải chịu cảnh xập xệ, chung đụng. Quyết tâm xóa bỏ thực trạng trĩu lòng, nhờ sự giúp đỡ của một số người thiện tâm, bốn căn nhà tình thương đã hoàn thành tinh tươm. Trong căn nhà tường xanh lát gạch bông mát rượi, vợ chồng anh Điểu Hiền, chị Thị Sinh và ba con nhỏ là hộ nghèo sóc Tổng Cui Nhỏ hồ hởi bày tỏ niềm vui có tổ ấm mới khang trang. Chị Sinh nói tưởng như nằm mơ, nhiều lúc chưa dám tin là sự thật. Còn sắp tới, cha sẽ xây thêm bốn căn nữa cho các gia đình khổ cực hơn cả. Hạnh phúc đã và đang được nhân lên.
Bên cạnh việc chăm lo nhà cửa, như nhiều xứ nghèo khác, cha liên hệ mời các đoàn từ thiện tới khám chữa bệnh và phát thuốc cho bà con lương giáo. Bệnh nhân phần đông là đồng bào dân tộc vì họ ít khi ra trạm xá và uống thuốc tây bởi ngại tốn kém. Thỉnh thoảng lại có đoàn nha khoa về khám và nhổ răng, chủ yếu cho trẻ em. Đoàn khám bệnh vừa rời khỏi, các giáo xứ gần xa lại ghé thăm, tặng quà. Từ Phú Cường, Xuân Lộc tới TP HCM, nhiều nhóm đã tới Phước An chia sẻ tình huynh đệ. Ngoài những món quen thuộc như gạo, nhu yếu phẩm, có đoàn còn chở lên cả xe tải rau củ được gói thành từng túi như bí ngô, dưa leo, su hào, rau màu... gởi cho bà con. Người trao và người nhận đều ấm lòng, xúc động.
Để đồng bào có được những niềm vui đó, cha phải chạy đầu này đầu kia mời gọi sự chung tay giúp sức. Từng theo cha trong các chuyến đi, bà Đinh Vương Linh, giáo dân kể: “Không phải mọi chuyện đều suôn sẻ, dễ dàng như mình tưởng, có lúc cũng rơi nước mắt, muối mặt xấu hổ, nhưng nghĩ cha chịu được mình cũng phải chịu được. Có lần đang đi công việc thì bà cố gọi cha về xức dầu cho ông cố, cha không thể về được làm bà giận, rất tội cho cha. Có cộng tác chung mới hiểu hết những hy sinh mà cha âm thầm đánh đổi...”.
Họ đạo Phước An chỉ mới bắt đầu lịch sử của mình nhưng có lẽ sẽ biến chuyển nhanh chóng với tấm lòng của vị mục tử đầy nhiệt huyết, luôn “lấm mùi chiên”.
Nguồn: cgvdt.vn
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT