Header

Nhật Ký Chuyến Đi Lộc Quang 2018

avatarby
19/04/2018
3.4K
Sau tuần Bát Nhật Phục Sinh, vào ngày 09/4/2018 vừa qua, quý cha, quý thầy trong Ban Đào tạo Ơn gọi giáo phận Phú Cường đã tổ chức cho anh em dự bị chủng sinh chúng tôi một chuyến đi mục vụ thiện nguyện về giáo xứ Lộc Quang - một vùng đất truyền giáo xa xôi của giáo phận Phú Cường.
ƠN GỌI

NHẬT KÝ
CHUYẾN ĐI LỘC QUANG



Sau tuần Bát Nhật Phục Sinh, vào ngày 09/4/2018 vừa qua, quý cha, quý thầy trong Ban Đào tạo Ơn gọi giáo phận Phú Cường đã tổ chức cho anh em dự bị chủng sinh chúng tôi một chuyến đi mục vụ thiện nguyện về giáo xứ Lộc Quang - một vùng đất truyền giáo xa xôi của giáo phận Phú Cường. Chuyến đi kéo dài hai ngày, bắt đầu từ ngày 09/4/2018 cho đến 10/4/2018. Đây là cơ hội để chúng tôi được khám phá và trải nghiệm về đời sống đức tin, đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con giáo dân nơi vùng truyền giáo xa xôi; cũng như, nó gửi gắm và hung đúc con tim chúng tôi về nỗi lòng thao thức truyền giáo của giáo phận; đồng thời, trải nghiệm bầu khí đón Tết Cổ Truyền của anh chị em đồng bào dân tộc Khơme tại giáo xứ Lộc Quang. Đặc biệt hơn, chuyến mục vụ này cũng là dịp chúng tôi được ghé thăm gia đình của anh Antôn Nguyễn Văn Thể - Dự bị III (tại GX. Phú Lương) và anh Giuse Đỗ Xuân Tùng - Dự bị III (tại GX.Tân Thành).

I. Ngày 09/4/2018

 

1. Khởi hành mục vụ

Sau giờ cơm trưa vào lúc 12 giờ, tại Cở sở đào tạo ơn gọi giáo phận, chúng tôi tranh thủ chuẩn bị đồ đạc và hành lý để xuất phát. Tuy thời tiết buổi trưa khá oi bức và nắng gắt, nhưng bầu khí nhộn nhịp và nô nức của mọi người đã xua đi cái nóng của ban trưa. Chúng tôi cùng chung tay chuyển tất cả các phần quà cũng như hành trang lên xe. Người khiêng gạo, kẻ khiêng nhạc cụ, v.v. tất cả mọi việc đều diễn ra trong niềm vui. Khi mọi thứ được sắp xếp xong, chúng tôi nhanh chân lên xe để khởi hành chuyến đi. Trong chuyến đi này, trưởng đoàn là cha Giám đốc, kế đến là quý cha, quý thầy trong ban đào tạo. Cùng đi với chúng tôi còn có sự đồng hành của má Hai, chị Hiếu và chị Trang.

Đúng 13 giờ, chúng tôi bắt đầu hành trình về vùng đất truyền giáo Lộc Quang. Những cái vẫy tay yêu thương chào tạm biệt hai anh em: anh Phêrô Tuấn Kiệt và anh Phêrô Tuần Công Minh - hy sinh ở nhà để trông nhà.

Khởi đầu hành trình, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện với Chúa và Mẹ Maria để xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành và thánh hoá chuyến đi.

“Này bạn ơi mau lên gieo bước hành trình...”, giai điệu đầu tiên của bài hát GIEO BƯỚC HÀNH TRÌNH đã được cất lên, bắt đầu cho buổi sinh hoạt trên xe. Hầu hết mọi người đều tham gia các trò chơi. Những trò chơi thi đua sinh động nhưng cũng vô cùng “nguy hiểm”, những tiếng hoan hô, những tiếng cười sảng khoái, những câu đố vui nhức ốc, những bài hát, v.v. góp cho buổi sinh hoạt thêm hấp dẫn. Và cũng nhờ buổi sinh hoạt đã giúp cho chuyến đi trở nên sinh động và tràn đầy niềm vui.

2. Điểm đến đầu tiên – nhà anh Antôn Thể, tại giáo xứ Phú Lương

Sau 2 giờ di chuyển, chúng tôi đã đến gia đình anh Thể - một gia đình thuộc giáo xứ Phú Lương của hạt Bình Long. Căn hộ của gia đình anh Thể nằm trong một con hẻm sâu.Tại đó có rất nhiều cây điều, tiêu và các cây ăn trái. Người dân ở đây sinh sống bằng nghề làm vườn.

Vừa tới đầu ngõ nhà anh Thể, chúng tôi được nghe những tiếng chào đón thật vui tai: “Thể…ể…ể…! Thể…ể…ể…!”. Đó là tiếng chào đón của những chú dê do nhà Thể nuôi . Vào đến nhà, chúng tôi được ba mẹ và dì của anh đón tiếp. Ba mẹ anh Thể đã thiết đãi chúng tôi những lát xoài Đài Loan thơm ngọt và những ly chanh đá giải khát thật mát rượi. Kế đến, chúng tôi đi tham quan vườn tiêu của nhà anh và cùng nhau chia sẻ, hỏi thăm, trò chuyện với ba mẹ và dì của anh Thể. Tiếp theo, chúng tôi cùng với gia đình anh Thể đọc kinh và cầu nguyện để xin Chúa chúc lành và thánh hoá gia đình anh luôn được hạnh phúc. Sau cùng, cha Giám đốc đã gửi lời chúc bình an đến ba mẹ anh; và cùng chụp hình lưu niệm với nhau.

3. Điểm đến thứ hai – nhà anh Tùng, tại giáo xứ Tân Thành

Từ nhà anh Thể, chúng tôi tiếp tục hành trình đến điểm dừng thứ hai - nhà anh Tùng, tại giáo xứ Tân Thành, thuộc hạt Bình Long, trong khoảng thời gian hơn 1 giờ. Căn hộ mà gia đình anh đang sống nằm bên cạnh quốc lộ hướng về biên giới Campuchia. Chúng tôi đến và gặp ba mẹ cùng các thành viên trong gia đình anh. Họ tiếp đón chúng tôi rất chu đáo và vui tươi. Ba mẹ anh Tùng đã thiết đãi chúng tôi những quả trái cây rất ngọt ngon và những ly trà đá mát lạnh. Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện và chia sẻ niềm vui với gia đình anh Tùng. Kế đó, chúng tôi cùng nhau đọc kinh và nguyện xin Chúa ban phúc lành trên ba mẹ và gia đình anh Tùng luôn được an vui và hạnh phúc.

4. Điểm đến yêu thương -  giáo xứ Lộc Quang

Trở lại hành trình Lộc Quang, sau khi ghé thăm gia đình anh Tùng, chuyến đi của chúng tôi tiếp tục tiến về vùng đất truyền giáo Lộc Quang. Đi xe khoảng hơn 30 phút, chúng tôi đã đến giáo xứ Lộc Quang. Cảnh vật nơi đây còn khá hoang sơ. Người dân vùng này rất thân thiện và gần gũi. Đoàn chúng tôi vào khuôn viên nhà thờ Lộc Quang khi bà con giáo dân nơi đây còn đang tham dự thánh lễ Misa. Bước xuống xe, chúng tôi khá ấn tượng về ngôi nhà thờ khang trang với khuôn viên khá rộng lớn. Chúng tôi không nghĩ rằng vùng truyền giáo xa xôi này lại có một ngôi nhà thờ phượng Thiên Chúa cực kỳ khang trang như vậy. Từ đó cho chúng tôi tin rằng mặc dù đời sống còn khá khó khăn nhưng với tấm lòng yêu Chúa, cha xứ và bà con giáo dân nơi đây đã đặt cả tâm huyết để xây dựng ngôi nhà thờ phượng Chúa.

5. Giáo xứ Lộc Quang

Giáo xứ Lộc Quang có địa bàn rộng khoảng hơn 30 km, thuộc xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Giáo xứ này thuộc hạt Bình Long và là một trong những vùng truyền giáo đầy khó khăn của giáo phận Phú Cường. Giáo dân ở đây có khoảng 2.000 người. Đa số họ là những người dân tứ phương về đây lập nghiệp và một nhóm người Việt Kiều từ vùng Campuchia về. Ngoài ra còn có một số bà con giáo dân đồng bào dân tộc Khơme và Sting (chiếm 20% trên 60% người dân tộc không thuộc đạo Công giáo). Cha chánh xứ hiện nay cũng là cha sở tiên khởi của giáo xứ - cha Hiêrônimô Nguyễn Phi Hùng.

 

6. Đôi nét về tết Cổ Truyền của người Khơme

Tết Cổ Truyền của người Khmer Nam Bộ gọi là Chôl Chnăm Thmây (ngày thay năm cũ vào năm mới) hay còn gọi là ''Lễ chịu tuổi'', tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 4 dương lịch hàng năm.

Trước đây người Khmer chỉ cày cấy một vụ nên tháng 12 mọi người vẫn còn tất bật với ruộng đồng. Tháng 4, gặt hái xong, thóc lúa đã đầy bồ, bà con có thể thảnh thơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc. Tháng 4 ở Nam Bộ cũng là lúc mùa khô vừa dứt và chuyển sang mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa làm cho cây cối xanh tươi, thiên nhiên như trỗi dậy một sức sống mới, người Khmer chọn thời điểm này cho sự khởi đầu của một năm mới.

Xưa kia, lễ vào năm mới của người Khmer được Hôra (các nhà thiên văn bói toán) ấn định. Ngày nay, sách lịch dùng cho một năm của người Khmer là do các vị thượng tọa, đại đức thông hiểu khoa thiên văn biên soạn. Tùy vào từng năm mà thời khắc giao thừa diễn ra vào sáng, trưa, chiều hay tối để hoàn thành chu kỳ là 365 ngày và ¼ ngày.

Trước Tết khoảng nửa tháng, đồng bào Khmer đã tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm bánh trái, may quần áo mới, v.v. Nhưng quan trọng hơn cả là việc người dân tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum sóc nơi gia đình đang sinh sống.

Vào ngày trước Tết, ngôi chùa của người Khmer như bừng lên một sức sống mới. Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.

Đêm giao thừa nhà nhà đều thắp nhang, đèn, làm lễ đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới. Têvêđa, theo người Khmer là vị tiên được trời sai xuống để lo cho dân chúng trong một năm. Sau đó, mọi nghi thức quan trọng đón Tết đều diễn ra tại chùa. Gia đình nào có con trai đến tuổi đi tu thì dẫn vào chùa làm lễ thí phát, quy y. Nhiều nhà còn ở trong chùa suốt những ngày Tết. Dưới mái chùa chung của cả phum sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hy vọng vào một năm mới an lành.

Trong những ngày Hội Xuân tại trên 450 điểm chùa ở Nam Bộ lúc nào cũng tưng bừng, náo nhiệt. Từng đoàn người với những bộ quần áo sặc sỡ, nét mặt vui tươi, trên tay cầm nhang đèn, hoa quả vào chùa. Ngày đầu tiên làm lễ rước Sâng Kran, rồi vào lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Ngày thứ hai, phật tử dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát. Các vị sư đọc kinh cầu siêu cho người đã mất và cầu an cho người còn sống. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật và tắm cho các vị sư cao niên.

Đối với các lễ hội Khmer, tôn giáo, tín ngưỡng Phật giáo như hòa quyện vào đời sống của các thiện tín, thể hiện qua truyền thuyết và nghi thức thờ phụng.

Lễ rước Sâng Kran trong tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer bắt nguồn từ một truyền thuyết của Phật giáo, đó là chuyện Thom Ma Bal và Kabil Maha Prum – còn gọi là ''Thần bốn mặt''.

Vào ngày đầu năm mới thay vì rước đầu ''Thần bốn mặt'', người Khmer rước Maha Sâng Kran (Đại nông lịch) đi vòng quanh chính điện 3 lần. Đầu ''Thần bốn mặt'' được thờ trong chùa Khmer.

Tục ''Đắp núi cát'' cũng là một nghi thức không thể thiếu trong tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer. Cát sạch được đổ thành từng đống quanh đền thờ Phật, chung quanh sân chính điện. Đắp những núi cát nhỏ theo tám hướng, núi thứ chín ở giữa là trung tâm trái đất (tức núi Sômêru). Sau đó vị Achar (một người am hiểu nghi lễ đạo Phật) hướng dẫn mọi người làm lễ quy y cho các núi. Nghi lễ này gọi là Anisâng Pun Phnôm Khsách. ''Phúc duyên đắp cát'' là một phong tục nhằm tích phước, tích đức vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ.

Các sự tích, truyền thuyết như trên trong tết Cổ Truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ là những bài học về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để bà con phật tử thể hiện tâm niệm của mình với Đức Phật, với ông bà cha mẹ mình.

Theo phong tục của người Khmer, tất cả những người quá cố trong gia đình đều được hỏa thiêu và gửi cốt trong chùa, chính vì thế mà trong ba ngày Tết ''mình ăn gì thì ông bà mình có cái đó''. Những vật dâng cúng không thể thiếu là cặp bánh tét, trái cây vườn nhà, một sấp vải trắng để cầu siêu gửi cho ông bà, cha mẹ dùng. Qua ba ngày Tết ở chùa mọi người mới về làm lễ tắm tượng Phật ở nhà, mời ông bà, cha mẹ đến chúc mừng, tạ lỗi và đem bánh trái tạ ơn ông bà, cha mẹ hoặc tắm cho ông bà, cha mẹ gọi là để trả hiếu. (trích Tết cổ truyền của người Khmer – PHƯƠNG HẠNH)

Riêng người Khmer ở vùng đất truyền giáo Lộc Quang năm nay, họ đón tết vào người mùng 10 tháng 3 âm lịch. Tại các sốc – nơi tập hợp các gia đình Khmer có xây dựng các miếu nhỏ ở đầu ngõ. Một người địa phương kể lại rằng vào những ngày trước Tết, những người đồng bào đều tụ họp nơi đây để cầu nguyện. Kế đến, tết Cổ Truyền của họ bắt đầu vào lúc 10 giờ đêm và nó kéo dài trong khoảng 1 tháng (vì họ chia nhau mỗi sốc sẽ ăn Tết 3 ngày và luân phiên cho đến hết vùng). Sáng hôm sau, đối với người dân tộc Khmer Công giáo, họ sẽ đến nhà thờ để tham dự thánh lễ tạ ơn Chúa và cầu bình an vào đầu năm mới.

7. Sinh hoạt mục vụ và ngọn lửa hiệp nhất

Khi đến giáo xứ Lộc Quang, chúng tôi được thầy Thiên Vũ (khoá 13) cùng với gia đình anh Đức (Dự bị I) và các em lễ sinh giáo xứ đón tiếp. Chúng tôi đến lúc trời  xế chiều về đêm. Mọi người trong giáo xứ hân hoan chào đón chúng tôi. Sau đó, chúng tôi nghỉ ngơi và đi tham quan nhà thờ, nhà xứ. Lúc vào nhà xứ, chúng tôi thấy mọi người trong nhà xứ  tất bật chuẩn bị một bữa liên hoan nhỏ chào đón chúng tôi. Khi thánh lễ kết thúc, cha chánh xứ Hiêrônimô Nguyễn Phi Hùng ra đón rước chúng tôi. Cha Hiêrônimô cũng hướng dẫn chúng tôi đến phòng ở của đoàn.

Sau khi đã nhận phòng và tắm rửa, chúng tôi có một buổi cơm thân mật cùng với cha chánh xứ, ban hành giáo và gia đình anh Đức. Những món ăn rất ngon được bà ngoại của anh Đức chuẩn bị thật chu đáo. Vào lúc 18 giờ 30, chúng tôi cùng ăn uống và giao lưu với quý cha, quý thầy, quý soeur dòng Đa Minh Phú Cường, gia đình anh Đức cùng với mọi người trong ban hành giáo. Khi buổi cơm kết thúc, vào lúc 19 giờ 30, chúng tôi cùng nhau tham dự buổi tiệc nướng cùng với các bạn giáo lý viên người đồng bào Khmer. Dưới ánh lửa hiệp nhất hòa với những giai điệu của các bài hát dân tộc Khmer, mọi người cùng nhau nhảy múa và chia sẻ niềm vui đón tết Chôl Chnăm Thmây với các bạn giáo lý viên. Họ dạy cho chúng tôi điệu múa Lâm Thon truyền thống của họ. Điệu múa này cực kỳ ấn tượng với chúng tôi. Nó gây sự chú ý và tò mò của mọi người. Hòa cùng giai điệu và tiết tấu của bài hát, điệu múa Lâm Thon diễn ra một cách chậm rãi. Các cử chỉ, điệu bộ mềm mại và khoan thai. Từ ngón tay cho đến gót chân đều có “tiếng nói” riêng, động tác sử dụng phải thật uyển chuyển và nhịp nhàng theo vần điệu của bài hát. Chúng tôi phải vất vả để học điệu múa này. Các bạn giáo lý viên rất nhiệt tâm hướng dẫn chúng tôi điệu múa. Tuy lúc đầu còn dẫm đạp chân lên nhau, hay múa sai cử điệu tay hoặc chân, nhưng cuối cùng chúng tôi đã múa được điệu múa Lâm Thon. Ngoài ra, không chỉ có điệu múa Lâm Thon, chúng tôi còn học thêm một điệu múa mới nhưng chúng tôi không biết tên. Chúng tôi đã đặt cho nó cái tên là “Targô của người Khmer”. Cùng tham dự buổi sinh hoạt ngọn lửa hiệp nhất có quý soour dòng Đa Minh và các bạn lễ sinh. Buổi sinh hoạt được diễn ra trong bầu khí rất sinh động và sôi nổi. Mặc dù thời tiết về đêm của tháng 4 khá oi bức nhưng những trò chơi sinh hoạt cùng những điệu nhảy dân vũ của chúng tôi đã xua tan đi cái oi bức. Chúng tôi hòa mình vào với niềm vui đón tết Chôl Chnăm Thmây khi cùng nhau ăn uống, vui chơi và chia sẻ niềm vui cho nhau. Buổi giao lưu kết thúc vào lúc 10 giờ 30 dưới sự chủ trì của cha Giám đốc. Tuy buổi sinh hoạt kết thúc, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn động sâu trong tâm của mỗi người chúng tôi về những người đồng bào Khmer thân thiện.

II. NGÀY 10/4/2018

Sáng ngày 10/4/2018, sau giờ ăn sáng, vào lúc 7 giờ, chúng tôi cùng với quý cha, quý thầy, má Hai, chị Hiếu, chị Trang đã chia thành hai nhóm nhỏ đến các gia đình người đồng bào Khmer theo sự hướng dẫn của cha Hiêrônimô Hùng và các vị trong ban hành giáo.

Từ nhà thờ Lộc Quang, theo con đường đất đỏ đầy bụi, chúng tôi di chuyển vào sâu trong các khu rẫy tiêu, điều để đến nơi sinh sống của những người Khmer. Cảnh vật buổi sáng khá mát mẻ, hai bên đường là những nọc tiêu xanh và những cây điều đang say trái. Vào sâu một tí, hai bên con đường đất đỏ là những ngôi nhà sàn của người đồng bào Khmer. Mỗi sốc chỉ có vài hộ gia đình. Căn nhà của họ được dựng bằng những tấm ván gỗ trông rất đơn sơ. Xung quanh nhà, họ chọn những cành cây khô và dài để làm hàng rào. Ở mỗi sốc, vì nhu cầu đời sống đức tin của bà con dân tộc, cha chánh xứ đã cho dựng những ngôi nhà nguyện nhỏ bằng những cây cột và tấm ván gỗ khá giản dị để bà con có thể tụ họp đọc kinh. Một người anh em đã hỏi cha: “Tại sao mình không xây dựng bằng xi măng để nhà nguyện được khang trang hơn?”. Cha chánh xứ cười, nói: “Mình phải dựng nhà nguyện như vậy thì họ mới dám đến!”. Nghe có vẻ hơi bất ngờ, nhưng nhờ căn nhà nguyện đơn sơ ấy, bà con đồng bào Khmer mới đến vì nó gần gũi với đời sống nghèo khó của họ.

Chúng tôi được cha Hiêrônimô và các vị ban hành giáo dẫn vào một ngôi nhà của người đồng bào Khmer. Ở đó, chúng tôi có dịp tiếp xúc với các anh chị em người dân tộc Công giáo. Tuy đời sống của họ luôn gặp những khó khăn, nhưng họ sống rất giản dị, chất phát. Người dân nơi đây sống bằng nghề làm rẫy, làm thuê hoặc làm công nhân cạo mũ cao su, dệt, v.v. Một chị em đồng bào chia sẻ: “Phải đi làm thuê để kiếm ăn, những lúc không có việc làm phải ở nhà”. Cuộc sống đã khó khăn nhưng họ còn phải đối diện với tình trạng bệnh tật. Vì không có đủ tiền, họ đành phải cam chịu những căn bệnh.

Khi đến các gia đình nghèo, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện của cha chánh xứ đối với bà con giáo dân mình. Dường như cha biết tất cả tên của những người nơi đây. Cha thấu hiểu hết nỗi đau khổ của họ. Cha động viên và chia sẻ cho họ những phần quà nhỏ, những cái bánh ngọt hay chút ít tiền để hỗ trợ phần nào cho đời sống sinh hoạt. Hình ảnh của cha Hiêrônimô giúp chúng tôi càng thực tế hơn câu nói của Đức Thánh cha Phanxicô: “Vị mục tử phải gần với chiên và có mùi chiên”. 

Tiếp theo, chúng tôi di chuyển đến ngôi trường dành cho con em người Khmer. Ngôi trường này do Thầy Hải dạy. Ở đây, các em được học tiếng Việt, học tiếng Khmer và học nhạc. Ngôi trường này chỉ mở vào ngày Chúa Nhật. Đến nơi, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt hồn nhiên, e thẹn của các cô bé, cậu bé người Khmer khi gặp người lạ. Chính những điểm đó làm cho chúng tôi cảm thấy yêu mến các em nhiều hơn.

Sau khi thăm một vài gia đình bà con Khmer và ngôi trường Khmer, chúng tôi trở về lại nhà thờ để chuẩn bị thánh lễ tạ ơn Chúa và ăn Tết với người Khmer. Lúc đó vào khoảng 8 giờ 30 sáng, cảnh vật nơi nhà thờ nhộn nhịp và đầy sắc màu. Vì là tết Chôl Chnăm Thmây nên người đồng bào Khmer khoát lên mình bộ quần áo truyền thống. Bộ trang phục đầy sắc màu, được may rất tỉ mĩ và công phu. Những họa tiết đơn giản nhưng toát lên vẻ thanh lịch của trang phục.

Trong dịp đặc biệt này, giáo xứ Lộc Quang hân hoan tiếp nhận 24 anh chị em dân tộc Khmer và dân tộc Kinh gia nhập đạo Công giáo; đồng thời, giáo xứ cũng chứng kiến 3 đôi bạn trẻ (2 đôi người Khmer và 1 đôi người Kinh) cử hành nghi thức hôn phối.

Thánh lễ được bắt đầu vào lúc 9 giờ 30, cha chánh xứ Giêrônimô Nguyễn Phi Hùng chủ tế; đồng tế có cha Phêrô Huỳnh Thế Vinh cha Gioan M. Vianney Trịnh Văn Thuần. Khởi đầu là nghi thức tiếp nhận các anh chị em dự tòng. Chúng tôi rất ấn tượng khi được tham dự thánh lễ song ngữ tiếng Việt và tiếng Khmer, cũng như được hoà mình vào những bài thánh ca dân tộc Khmer do ca đoàn các em thiếu nhi người dân tộc Khmer đảm trách. Vào cuối thánh lễ, một người bà con Khmer đã đại diện cộng đoàn người Khmer gửi đến cha chánh xứ, quý soeur, quý thầy lời cảm ơn và lời chúc mừng nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây.

Thánh lễ kết thúc, chúng tôi được cha chánh xứ mời tham dự bữa tiệc mừng tết Chôl Chnăm Thmây với bà con đồng bào Khmer. Chúng tôi cùng ngồi ăn chung và múa lại điệu Lâm Thon với họ. Bầu khí diễn ra rất vui tươi. Những lời chúc mừng và chúc lành được trao cho nhau. Khi buổi tiệc gần kết thúc, những người Khmer đã chúc lành cho nhau bằng nghi thức thắt một sợi dây tơ màu đỏ ở trên cánh tay và đọc lời chúc lành. Chúng tôi cũng được họ chúc lành nữa.

Bữa tiệc kết thúc, chúng tôi chia tay họ và khẩn trương chuẩn bị hành trang để trở về. Trước khi ra về, cha Phêrô Vinh đại diện mọi người gửi lời cảm ơn và lời chúc đến cha Hiêrônimô, gia đình anh Đức, các em lễ sinh và các vị trong ban hành giáo. Giờ chia tay trong lưu luyến và đầy cảm xúc. Những khoảng khắc này được chúng tôi lưu lại qua những thướt phim, những tấm ảnh chụp chung với nhau. Đến 14h00, chúng tôi ra xe và trở về. Trên đường về, chúng tôi được hân hạnh dừng chân tại nhà cha Phêrô Vinh.

Sau hơn 3 giờ ngồi xe, chúng tôi đã đến nhà ông bà cố của cha Phêrô Vinh, tại giáo xứ Lai Uyên. Căn nhà nằm trên trục quốc lộ 13. Đến nơi, chúng tôi được ông bà cố và những người thân của cha Phêrô chào đón rất thân thiện. Sau lời chào hỏi, chúng tôi không quên viếng thăm ngôi nhà thờ Lai Uyên, cách nhà cha Vinh không xa lắm. Viếng nhà thờ xong, chúng tôi trở về lại nhà cha Vình và cùng gia đình dùng cơm tối - một bữa cơm rất vui và thật ấm cúng. Trong bữa ăn này, chúng tôi còn vinh dự chào đón cha chánh xứ Lai Uyên, cha phó xứ Lai Uyên cùng quý soeur. Mọi người vừa ăn uống, vừa hát với nhau những bài hát trữ tình. Sau bữa cơm thân mật, chúng tôi chia tay gia đình cha Vinh và cùng nhau quay về mái nhà thân thương. Kết thúc hành trình mục vụ vùng đất truyền giáo Lộc Quang yêu thương.

Nhìn lại hành trình về miền đất Lộc Quang, tuy kết thúc, nhưng nó vẫn sống động trong lòng chúng tôi vì đã nhóm lên trong tim mỗi người ngọn lửa thao thức truyền giáo của giáo phận. Là những mần non ơn gọi của giáo phận và là tương lai của Giáo Hội, chúng tôi ý thức mình thuộc về giáo phận Phú Cường truyền giáo yêu thương này, thuộc về Giáo Hội đang ngày ngày mong muốn Tin Mừng của Chúa Kitô được lan tỏa khắp trái đất. Ở nơi đây, những vùng truyền giáo đang thầm gọi tên từng người chúng tôi. Qua hình trình về vùng đất truyền giáo Lộc Quang, đã khơi mở cho chúng tôi cái nhìn thực tế về đời sống đức tin của bà con giáo dân trong giáo phận, nhất là bà con ở những vùng truyền giáo: họ đơn sơ và chất phát; họ không có gì gọi là cao siêu như những nhà tu hành, nhưng ở nơi họ, niềm tin vào Chúa với lòng đạo đức bình dân luôn tỏa chiếu; họ là sứ giả của Thiên Chúa; họ nhen nhóm lên trong lòng chúng tôi tình yêu hiến dâng. Và chính vì thế, chúng tôi cần phải nổ lực hết mình để sống cho đúng và trọn vẹn với ơn gọi mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng tôi.


Luy Phạm Đức Bảo
Người con của giáo phận Phú Cường

 
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT